Chất lượng tín dụng của Big 4 được đảm bảo, theo đánh giá của Chính phủ.
“Sức khỏe” của khối ngân hàng thương mại nhà nước vừa được Chính phủ cập nhật tại báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2023.
Đây là báo cáo định kỳ được gửi tới Quốc hội tại các kỳ họp cuối năm, luôn có nội dung về tình hình tài chính và hoạt động của khối ngân hàng thương mại nhà nước.
Khối này bao gồm: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Doanh thu và lợi nhuận đều tăng
Theo báo cáo, kết quả hoạt động kinh doanh của khối đạt được tăng trưởng tích cực, các chỉ tiêu an toàn vốn vẫn được đảm bảo, huy động vốn tăng nhanh.
Đến cuối năm 2023, tổng nợ phải trả và vốn chủ sở hữu (tổng nguồn vốn) của khối ngân hàng thương mại nhà nước đạt 8.218.023 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cuối năm 2022.
Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước đạt 173.201 tỷ đồng, giảm 28,3% so với cuối năm 2022. Tiền gửi và cho vay tổ chức tín dụng khác đạt 1.111.458 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2022.
Cũng tính đến cuối năm 2023, tổng dư nợ cho vay đạt 5.938.588 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cuối năm 2022. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, nợ xấu so với tổng dư nợ năm 2023 là 86.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so cuối năm 2022.
Về hoạt động đầu tư, báo cáo nêu, đến cuối năm 2023, tổng số dư các khoản chứng khoán kinh doanh đầu tư của khối ngân hàng thương mại nhà nước là 735.673 tỷ đồng, giảm 11,4% so với cuối năm 2022.
Đánh giá về chất lượng tài sản, báo cáo nêu tổng nợ xấu cho vay năm 2023 là 86.000 tỷ đồng, tăng 10,52% so với năm 2022, tỷ lệ nợ xấu năm 2023 là 1,29% (năm 2022 là 1,32%).
Tổng số nợ xấu của các ngân hàng thương mại nhà nước được xử lý trong năm 2023 thông qua các hình thức: khách hàng trả nợ, bán phát mại tài sản, trích lập dự phòng… là 174.338 tỷ đồng, tăng 45,8% so cuối năm 2022; trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro là 50.641 tỷ đồng, giảm 19,1% so với cuối năm 2022.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tổng doanh thu đạt 662.987 tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 119.682 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) thời điểm cuối năm 2023 (theo báo cáo hợp nhất) đạt 18,62%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản (ROA) thời điểm cuối năm 2023 (theo báo cáo hợp nhất) đạt 1,17%.
Các ngân hàng thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật thuế hiện hành. Đến cuối năm 2023, các ngân hàng thương mại nhà nước đã nộp vào ngân sách nhà nước 37.238 tỷ đồng, trong đó Agribank 12.282 tỷ đồng; BIDV 6.448 tỷ đồng; VCB 11.648 tỷ đồng và VietinBank 6.860 tỷ đồng.
Có dự án vẫn đang chờ thông tin từ đối tác
Về đầu tư vốn và thoái vốn ngoài ngành, Vietcombank có vẻ đang "loay hoay" hơn cả. Tính đến thời điểm ngày 31/12/2023, tổng giá trị vốn đầu tư của VCB là 6.681,19 tỷ đồng, chiếm 10,29% vốn điều lệ và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về giới hạn góp vốn mua cổ phần (<40% vốn điều lệ và Quỹ Dự trữ bổ sung vốn điều lệ của Vietcombank).
Tổng thu nhập từ hoạt động đầu tư trong năm 2023 là 899,35 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập từ cổ tức bằng tiền mặt là 371,78 tỷ đồng; thu nhập từ cổ tức bằng cổ phiếu là 527,57 tỷ đồng.
Đến ngày 31/12/2023, Vietcombank có 5 khoản đầu tư ngoài ngành.
Cụ thể, tại Công ty Liên doanh TNHH Vietcombank Bonday Benthanh (VBB): VCB hiện thuê một phần diện tích để làm trụ sở. Vietcombank đang làm việc với các đối tác (Bonday HK và Setra Corp) để mua lại toàn bộ phần vốn góp của đối tác tại VBB, tiến tới chấm dứt hoạt động của Công ty.
Với Công ty TNHH Cao ốc Vietcombank 198 (VCBT), Vietcombank đã có nghị quyết 303 ngày 7/6/2022 thay đổi phương án xử lý đối với khoản đầu tư của Vietcombank tại VCBT. Theo đó, Vietcombank đã thông tin tới đối tác và đề nghị cho ý kiến đối với định hướng xử lý với khoản góp vốn của Vietcombank tại VCBT theo hướng mua lại phần vốn góp của các đối tác tại VCBT tiến tới chấm dứt hoạt động của Công ty. Hiện Vietcombank chờ thông tin từ đối tác để triển khai công việc tiếp theo.
Tại Công ty Liên doanh hữu hạn Vietcombank Bonday (VCBB), do thời hạn liên doanh sẽ kết thúc vào năm 2026, nên Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận đề xuất của Vietcombank là sẽ xử lý khoản đầu tưnày theo hướng mua lại toàn bộ tòa nhà làm trụ sở hoặc chuyển nhượng phần vốn tại Công ty trong vòng 1 năm kể từ khi kết thúc hợp đồng liên doanh.
Còn tại Tổng công ty Hàng Không Việt Nam - CTCP (VNA), theo báo cáo, trong năm 2023, tình hình hoạt động của VNA đã khởi sắc hơn, giảm lỗ so với năm 2022, nhưng số lỗ lũy kế vẫn còn lớn làm ảnh hưởng tới giá cổ phiếu VNA trên thị trường. Hiện Vietcombank tiếp tục theo dõi tình hình thị trường cũng như hoạt động của VNA để thực hiện thoái vốn đối với số cổ phiếu VNA còn lại khi phù hợp, đảm bảo nguyên tắc tối ưu hóa lợi ích cổ đông, phù hợp quy định của pháp luật.
Ở Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), Chính phủ giải thích, đây là dự án VCB tham gia đầu tư theo chỉ định của Thủ tướng chính phủ nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị. VCB đang tiếp tục theo dõi hoạt động của Vidifi và tìm kiếm cơ hội thoái vốn khi thích hợp.
Tác giả: Nguyễn Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy