Dòng sự kiện:
BIS: Chủ nghĩa bảo hộ đe dọa thời kỳ tăng trưởng đỉnh cao
26/06/2018 06:39:38
Chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng có thể để lại hậu quả "kép" là chấm dứt thời kỳ kinh tế tăng trưởng đỉnh cao của năm 2017 và "châm ngòi" cho cuộc suy thoái kinh tế mới.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) có trụ sở tại Thụy Sĩ đã đưa ra cảnh báo trên trên trong bối cảnh mối quan ngại về nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại toàn cầu ngày càng lớn.

Trong Báo cáo kinh tế hằng năm công bố ngày 24/6, BIS - một ngân hàng quốc tế uy tín do các ngân hàng trung ương thuộc 60 nền kinh tế hàng đầu thế giới sở hữu, khẳng định năm 2017 là một năm kinh tế tăng trưởng đỉnh cao với tỷ lệ lạm phát thấp.

(Nguồn: Bitcoinexchangeguide)

Tuy nhiên, theo BIS, đà tăng trưởng này có thể bị đứt đoạn khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng. BIS cảnh báo thêm rằng những hậu quả có thể khó lường nếu các biện pháp bảo hộ thương mại trả đũa nhau làm sói mòn lòng tin nói chung "trong hệ thống thương mại đa phương mở cửa."

Các nhà phân tích và hoạch định chính sách hàng đầu thế giới có cùng nhận định nêu trên khi cho rằng mặc dù các biện pháp áp thuế trả đũa lẫn nhau hiện nay vẫn ở mức độ có thể kiểm soát, nhưng cuộc chiến thương mại toàn diện sẽ hủy hoại tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Do đó, Tổng Giám đốc BIS, ông Agustin Cartens đã hối thúc các nhà hoạch định chính sách bảo vệ cơ chế thương mại tự do và mở cửa mà theo đánh giá của ông, đây chính là "nền tảng đối với tiến trình cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trên toàn cầu."

Báo cáo của BIS được công bố vài ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 22/6 áp thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 2,8 tỷ euro (khoảng 3,3 tỷ USD) của Mỹ xuất khẩu sang EU, trong đó có xe máy, rượu whiskey. Đây được xem là động thái mở màn của EU nhằm đáp trả việc Washington tăng thuế đối với nhôm, thép nhập khẩu từ các nước EU.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đe dọa sẽ áp 20% thuế nhập khẩu đối với xe ôtô có nguồn gốc từ EU.

Ngoài EU, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang rất căng thẳng khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục công bố chính sách tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của nước kia, khiến nguy cơ nổ ra cuộc chiến thương mại toàn cầu dần hiện hữu./.

Theo Vietnam+

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến