Góp phần nâng cao đội ngũ viên chức
Chiều 25/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Theo Luật vừa thông qua, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2), trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh cho rằng bỏ viên chức suốt đời sẽ tạo sự cạnh tranh công bằng.
Trao đổi với PV, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước) cho rằng bà thấy nhiều người quan tâm nhiều hơn đến việc bỏ viên chức suốt đời hay không suốt đời: “Luật Viên chức sửa đổi lần này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức”.
Cũng theo ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh, với việc sửa đổi luật viên chức, sẽ giải quyết được tình trạng cán bộ "sáng cắp ô đi tối cắp ô về", tạo động lực cho phát triển: “Như vậy, sẽ nâng cao chất lượng viên chức lên, tránh sự ỉ lại của một số đội ngũ viên chức đã được ký hợp đồng xác định thời hạn lâu dài, không phải lo lắng, không phải phấn đấu nhiều nữa.
Người dân cũng sẽ đánh giá tích cực hơn về cơ chế này, là cơ hội cho con em, người lao động bình thường có thể cạnh tranh vào các khối làm việc này.
Tránh tình trạng con em cán bộ, viên chức thì mới làm trong cơ quan công chức viên chức. Điều này tạo cơ chế thông thoáng, có thể qua thi tuyển nên bất cứ ai đủ điều kiện cũng đều có thể tham gia.
Muốn có một đội ngũ tốt, để cải cách chính sách tiền lương tốt trong cải cách chính sách tiền lương năm 2021 thì phải có một đội ngũ tinh nhuệ, nhanh nhẹn, năng lực tốt”.
ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh cũng bày tỏ, hiện nay phải cải tổ luật từ từ, không phải luật có hiệu lực là thấy ngay kết quả mà còn cả một quá trình, lộ trình để triển khai, đánh giá.
Liên quan đến ý kiến lo ngại rằng với mức lương của các cơ quan Nhà nước hiện tại vẫn còn thấp, có sợ không giữ chân được cán bộ viên chức, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh đánh giá: “Những người năng lực tốt và giỏi thì thường rất tự tin về nguồn thu nhập, những chính sách của Nhà nước và những cơ quan, đơn vị đó chi trả cho họ. Không phải vì một lý do duy nhất là không có biết chế suốt đời thì không làm nữa. Quan trọng mức lương chi trả cho năng lực, trình độ của họ có xứng đáng hay không.
Hiện nay, chúng ta cũng có những cơ chế quản lý cán bộ công chức viên chức như chấm công mà không cần biết hiệu quả công việc, sản phẩm là gì. Thay vì, như thế thì quản lý bằng hiệu quả công việc, sản phẩm… và làm được nhiều thì hưởng nhiều như vậy mới có động lực để phát triển”.
Giảm sức ì
Cũng trao đổi thêm với PV, nguyên ĐBQH Vũ Xuân Trường, Chủ tịch hội Luật gia tỉnh Nam Định bày tỏ: “Việc bỏ viên chức suốt đời phù hợp với chủ trương của Đảng. Về thực tế, viên chức và những người thực hiện các nhiệm vụ công, dịch vụ công và cống hiến bằng năng lực trí tuệ, hưởng theo vị trí việc làm đây là điều rất quan trọng.
Nếu làm theo vị trí việc làm, theo hợp đồng thì được nâng lương, còn làm không tốt thì trong 5 năm không được nâng lương, chấm dứt hợp đồng.
Như vậy, việc bỏ viên chức suốt đời sẽ tạo nên sự cạnh tranh của những người viên chức. Bằng tay nghề, chuyên môn, thực lực của mình để phấn đấu vươn lên làm tốt hơn việc phục vụ cho xã hội, giảm được sức ì. Đồng thời, cũng thu hút được người có tri thức, có tâm huyết".
Nguyên ĐBQH Vũ Xuân Trường bày tỏ, với việc bỏ viên chức suốt đời sẽ làm giảm sức ì.
Nói về việc giữ chân người có năng lực cống hiến, nguyên ĐBQH Vũ Xuân Trường nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, việc giữ chân được cán bộ giỏi hay không còn căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thu nhập. Thay hình thức hợp đồng dài hạn trước đây, bằng hình thức hợp đồng có thời hạn hiện nay. Thì hiện nay, hai hình thức này cũng không đủ sức giữ chân người làm giỏi ở lại với một đơn vị viên chức, mà phải bằng cạnh tranh về tay nghề, thu nhập, các chế độ kèm theo”.
Trước việc nhiều người lo ngại về tình trạng nhồi nhét ồ ạt “viên chức suốt đời” từ đây đến trước ngày 1/7/2020 khi luật bắt đầu có hiệu lực thi hành. Nguyên ĐBQH Vũ Xuân Trường cho hay: “Cần phải có cơ chế kiểm tra, giám sát. Để làm sao phù hợp với yêu cầu của Đảng, làm sao thu hút được nhân tài, khuyến khích người có tâm huyết, có năng lực cống hiến”.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết thêm: “Việc bỏ viên chức suốt đời là một bước tiến hơn đến một chế độ linh hoạt, phù hợp với xã hội đang có nhiều chuyển biến và thay đổi.
Vừa tạo khả năng cho nhà nước có sự lựa chọn linh hoạt hơn, cũng tạo cho nhân viên phải phấn đấu, phải nỗ lực nếu muốn ở lại. Đây là bước tiến bộ, tôi hoan nghênh. Còn việc lo ngại không giữ chân được viên chức, thì nhà nước sẽ phải có cơ chế, chế độ gì đó để giữ chân người tài”.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy