Bố chồng Hà Tăng: Chuỗi kinh doanh 'thượng vàng hạ cám'
24/01/2015 09:51:37
ANTT.VN - Từ việc bán những chiếc túi Chanel hàng chục nghìn đô la, đến những siêu phẩm đồng hồ xa xỉ Rolex, lợi nhuận còn vào túi "bố chồng Hà Tăng" bằng những mặt hàng bình dân khác như mì tôm, nước suối.
Doanh nhân thành đạt nào cũng muốn nổi tiếng, có người muốn được biết đến trong giới, bạn bè, đối tác, có người muốn được nổi đình nổi đám trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với cuộc chinh chiến gần 30 năm trên thương trường, ông Janathan Hạn Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đã trở thành ông trùm buôn hàng hiệu, đầu tư hàng không, du lịch và trung tâm thương mại. Sau cuộc hôn nhân đình đám của con trai Louis Nguyễn với kiều nữ Tăng Thanh Hà của làng giải trí Việt, ông lại được người ta biết đến với cái tên “bố chồng Hà Tăng”.

Gia đình quyền lực nhà chồng Tăng Thanh Hà

Ông trùm hàng hiệu

Là một trong những Việt kiều đầu tiên về nước đầu tư, Jonathan Hạnh Nguyễn làm chủ đầu tư dự án đường bay Manila (Philippines) - Tp. Hồ Chí Minh, do đặc thù nền kinh tế chưa mở cửa, khách nước ngoài vào Việt Nam rất ít, tỷ lệ rủi ro của dự án lên tới 90%, nhưng xác định đây không phải việc làm trong 2-3 năm mà là 20-30 năm, ông đã thuyết phục các nhà đầu tư bằng uy tín và vốn góp của mình. Sau đó, ông được cử làm Tổng đại diện của Hãng Hàng không Philippines (Philippines Airlines) tại khu vực Đông Dương, thành lập Công ty Liên Thái Bình Dương-Imexpan Pacific (IPP) vào năm 1986.

Năm 1995, khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, ông Hạnh Nguyễn trở thành cầu nối, kêu gọi các dự án đầu tư nước ngoài vào trong nước. Dự án đầu tiên được ông thực hiện tại Nha Trang là sản xuất hàng song mây xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 8.000 lao động địa phương.

Tính đến nay, ông đã kêu gọi hợp tác đầu tư 30 dự án, với tổng trị giá hơn 455 triệu USD, mang lại doanh số hằng năm khoảng 580 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 22.000 lao động ở Việt Nam.

Năm 2013, sự kiện hồi sinh cho trung tâm biểu tượng thương mại thủ đô- Tràng Tiền Plaza thành trung tâm thương mại xa hoa bậc nhất Hà thành với số vốn đấu tư 400 tỷ đồng đã nâng tầm thương hiệu của IPP.

Nội thất sang trọng của Tràng Tiền Plaza

Về dự án này, Johnathan Hạnh Nguyễn đã đầu tư 400 tỷ đồng để tạo nên đẳng cấp 5 sao của Tràng Tiền Plaza. Ngoài ra, phải kể tới 150 triệu USD, tương đương 3.000 tỷ đồng được các nhà đầu tư bỏ ra để hoàn thiện nội thất cho 112 gian hàng siêu sang. Trong số đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn sở hữu 20 gian, 95% diện tích Tràng Tiền Plaza đã được lấp đầy các thương hiệu hàng đầu thế giới chỉ sau gần 1 tháng mở cửa mà không qua bất kì môi giới nào. Ở thời điểm hiện tại, chỉ có thể do danh tiếng và uy tín của Jonathanh Hạnh Nguyễn mới thực hiện được việc đó dễ dàng và nhanh chóng như vậy.

Từ miếng gà rán, chai nước lọc đến túi xách hàng hiệu

Công ty Imex Pan-Pacific (Tập đoàn Liên Thái Bình Dương- IPP) do Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT còn là chủ đầu tư của hàng chục dự án thuộc nhiều lĩnh vực thương mại, cung cấp dịch vụ thực phẩm và giải khát, khách sạn, du lịch, cửa hàng miễn thuế tại các sân bay quốc tế tại Việt Nam và bốn quốc gia ở Đông Nam Á, phân phối độc quyền hơn 70% nhãn hiệu thời trang và mỹ phẩm hàng hiệu nổi tiếng trên thế giới.

Xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2011, khi được bán thử nghiệm tại sân bay, Burger King chính thức xâm nhập thị trường nội địa từ tháng 10/2012, thông qua đơn vị đối tác nhượng quyền là công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Cánh Diều Xanh (BKV), thành viên của tập đoàn Imex Pan Pacific, có kinh nghiệm và quản lý nhiều nhãn hàng lính vực thực phẩm.

Bên cạnh đó, ông còn lựa chọn đầu tư các thương hiệu thức ăn nhanh đình đám như Popeyes Chicken- hàng gà rán kiểu Mỹ, hay Domino’s Pizza và Dunkin’s Donuts- 1 trong 10 nhãn hàng thức ăn nhanh được ưa thích tại Mỹ, đối thủ nặng kí nhất của Starbucks.

IPP đầu tư vào chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nổi tiếng thế giới

Trước tòa nhà biểu tượng của Hà Nội, ông chủ IPP cũng từng đánh dấu tên tuổi với biểu tượng của TP.HCM. Đầu năm 2011, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đầu tư hơn 40 triệu USD cho trung tâm mua sắm hàng hiệu cao cấp Rex Arcade. Nằm ở tầng 1 của khách sạn Rex, khu trung tâm mua sắm này có diện tích khoảng 1.300 m2, được thừa hưởng vẻ sang trọng của một trong những kiến trúc mang phong cách Pháp xây dựng từ năm 1927. Ông chủ IPP đã trở thành nhà phân phối các nhãn hiệu cao cấp như Chanel, Burberry, Cartier, Salvatore Ferragamo, Rolex… cho LVMH tại Việt Nam. Đến nay, 16 trong tổng số 48 nhãn hiệu mà LVMH sở hữu đã có mặt tại Việt Nam, tập trung nhiều nhất tại 2 trung tâm chính là Rex Arcade và Tràng Tiền Plaza.

Mới đây nhất,  ngày 18/9, IPP đã mua thành công cổ phiếu chào bán đấu giá lần đầu của công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) với giá trị phải chi ra ít nhất là 310,3 tỷ đồng. Sasco là một trong những doanh nghiệp lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ tại sân bay với các hoạt động chính bao gồm kinh doanh cửa hàng miễn thuế, nhà hàng ẩm thực, phòng khách thương gia, dịch vụ vận chuyển… Năm 2013, Sasco đạt doanh thu 2.008 tỷ đồng và lãi sau thuế 92 tỷ đồng.

Sasco chào bán 31.034.000 cổ phần, tương đương 23,6% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược gồm: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP): mua 21.040.000 cổ phần, tương ứng 16% vốn điều lệ; Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) mua 6.575.000 cổ phần, tương ứng 5% vốn điều lệ; Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu (ACFC) mua 3.419.000 cổ phần (2,6% vốn điều lệ). Cả 3 nhà đầu tư chiến lược này đếu liên quan đến ông Jonathan Hạnh Nguyễn.

Cơ cấu vốn của Sasco

Ông Tô Ngọc Hải, Giám đốc Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng cho biết từ khi liên doanh với các công ty của ông Hạnh Nguyễn để mở các cửa hàng miễn thuế, đồ ăn nhanh và thời trang, nguồn thu phí hàng không của sân bay này đã tăng lên đáng kể, chiếm tới hơn 40% tổng doanh thu.

Sự lựa chọn đối tác chiến lược trên đây là điều cốt lõi đối với hoạt động kinh doanh chính của SASCO, nhằm mục đích là để cung cấp tốt nhất các dịch vụ tại sân bay. Việc bổ sung thêm các điểm kinh doanh hàng miễn thuế với một số hoặc toàn bộ thương hiệu kể trên đây sẽ làm tăng đáng kể lựa chọn mua sắm tại sân bay cho khách hàng. HSC đánh giá hiện nay các điểm kinh doanh hàng miễn thuế tại các sân bay Việt Nam có vẻ còn nhiều hạn chế và manh mún nếu so với các sân bay khác trong khu vực.

Với việc đầu tư vào Sasco lần này, tham vọng mở rộng chuỗi cửa hàng tại sân bay- thị trường tiềm năng phát triển nếu biết đầu tư đúng đắn của ông Hạnh càng lộ rõ, ông muốn phục vụ các hàng khách tốt nhất từ chai nước khoáng đến đồ lưu niệm hay thời trang. Thương vụ sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên liên quan.

Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến