Dòng sự kiện:
Bộ Công an khuyến cáo những kỹ năng cần thiết để xử lý khi có cháy
14/05/2023 17:06:13
Mới đây xảy ra vụ cháy làm 4 người tử vong ở quận Hà Đông, Hà Nội. Theo Bộ Công an, vụ việc này tiếp tục đặt ra yêu cầu cấp bách về phòng, chống cháy nổ.

Báo Lao Động dẫn thông tin từ Bộ Công an cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 522 vụ cháy, làm chết, bị thương 46 người.

Đặc biệt, các vụ cháy liên tiếp xảy ra trong ngày 12 và 13/5/2023 tại phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Tp.Hải Phòng làm 3 người tử vong; tại phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội làm 4 người trong cùng một gia đình tử vong tiếp tục đặt ra yêu cầu cấp bách về phòng, chống cháy nổ đối với mọi người dân, gia đình, cơ quan, doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ Công an khuyến cáo người dân những kỹ năng cần thiết để xử lý khi có cháy như sau:

Nếu cháy quá lớn không thể dập lửa phải nhanh chóng tìm cách thoát hiểm, hô hoán cho mọi người biết cùng thoát hiểm và gọi điện thoại lập tức đến số điện thoại 114. Ảnh minh họa: Bộ Công an

Tìm cách dập lửa, báo cháy và thoát nạn

Cần bình tĩnh tìm ngọn lửa và khói. Nếu đám cháy nhỏ cần tìm cách chữa cháy bằng nước, bình chữa cháy, cát, chăn ướt. Nếu cháy quá lớn không thể dập lửa phải nhanh chóng tìm cách thoát hiểm, hô hoán cho mọi người biết cùng thoát hiểm và gọi điện thoại lập tức đến số điện thoại 114.

Nhanh chóng xác định lối thoát hiểm hoặc trú ẩn an toàn


Tuyệt đối không nấp dưới gầm giường hoặc phòng, tủ để đồ vì sẽ rất khó khăn để lính cứu hỏa tìm ra bạn. Ảnh minh hoạ: Bộ Công an

Thông thường, các lối thoát đến nơi an toàn ở các nhà độc lập hoặc liền kề bao gồm: Lối ra cửa chính của căn nhà; lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng; lối ra ban công; lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng) để thoát sang công trình liền kề.

Đối với các căn hộ độc lập, lối thoát nạn an toàn là qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như: thang, thang cây, dây tự cứu hạ chậm…

Ngắt cầu dao điện nơi xảy ra đám cháy bởi điện gây cháy nổ sẽ dẫn đến đám cháy bùng phát nhanh hơn.

Khi lửa và khói đã chặn mất lối thoát nạn chính, nếu ở tầng thấp có thể thoát ra ngoài qua đường cửa sổ, ban công. Nếu không thể ra ngoài, hãy tập hợp mọi người vào một phòng, chặn các khe hở quanh cửa với khăn trải giường, chăn, quần áo ướt hoặc băng dính để chặn khói, lửa. Kêu cứu từ cửa sổ.

Khi ra ngoài, chỉ mở cửa cần; đóng tất cả các cánh cửa đang mở để ngăn đám cháy lan nhanh. Tuyệt đối không sử dụng thang máy khi xảy ra hoả hoạn.

Đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy ấm thì không mở, không dùng lòng bàn tay để tránh bị bỏng. Nếu tay nắm cửa mát và không thấy khói quanh cửa, bạn có thể mở cửa chậm và cẩn thận tránh người, mặt sang một bên đề phòng lửa tạt. Khi mở cửa, nếu thấy lửa bùng lên hay có khói xông vào phòng thì đóng cửa thật nhanh, chặt.

Tuyệt đối không nấp dưới gầm giường hoặc phòng, tủ để đồ vì sẽ rất khó khăn để lính cứu hỏa tìm ra bạn.

Hạn chế tối đa tiếp xúc với lửa hoặc khí độc

Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc bằng cách lấy khăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng.

Khi di chuyển tránh chạm vào các đồ đạc có thể dẫn nhiệt gây bỏng.

Tuyệt đối không xông qua đám cháy. Luôn giữ cơ thể ở vị trí thấp để tìm đường thoát hiểm, phòng bị nhiễm khói.

Nếu quần áo của bạn bị cháy, đừng chạy, hãy dừng lại và lăn người vòng quanh để dập lửa.

Tuyệt đối không quay lại khi đã thoát ra ngoài được; không quay vào khu vực bị cháy vì có thể bị nguy hiểm.

Nếu bên trong còn có người mắc kẹt, hãy mô tả thật chi tiết để lính cứu hỏa tiếp cận và cứu người mắc kẹt một cách nhanh nhất.

Nhà có lồng sắt cần trang bị búa, rìu, kìm cộng lực

Đối với các nhà, công trình có lồng sắt bảo vệ phía ngoài, Bộ Công an khuyến cáo có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề.

Nếu không có sẵn các cửa thoát hiểm hãy bình tĩnh tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu hoặc các vật dụng khác nhằm bẻ gãy hoặc mở rộng các ô trên lồng sắt để mọi người có thể di chuyển tới nơi an toàn với sự hỗ trợ của những người xung quanh.

Mỗi người dân và các gia đình cần trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy; trang bị những thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm cơ bản (như: bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, thang dây thoát hiểm,…) nhằm bình tĩnh ứng phó với sự cố cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, hạn chế tối đa thiệt hại, thương vong.

Khuyến cáo phòng ngừa cháy nổ xe máy điện, xe đạp điện

Thông tin trên báo Công an Nhân dân, để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng xe máy điện, xe đạp điện, phòng ngừa xảy ra cháy, nổ, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khuyến cáo:

Nên sạc khi pin/ắc-quy gần hết, sử dụng nguồn điện phù hợp (theo mức điện áp khuyến cáo của nhà sản xuất) và ổn định để sạc. Không sạc ngay sau khi vừa chạy xe, nên chờ bình điện nguội trong khoảng 20 phút rồi mới sạc. Không sạc pin qua đêm, không sạc quá 8 giờ liên tục. Nếu xe để lâu không sử dụng, nên sạc pin đầy rồi tháo rời khỏi xe để tăng độ bền.

Bảo quản pin/ắc-quy đúng cách bằng cách đặt xe tại vị trí bảo đảm cao ráo và thông thoáng. Không để pin/ắc-quy (xe) tại các khu vực nóng, ẩm. Không tác động lực mạnh vào bộ phận pin/ắc-quy.

Không tự ý thay đổi kết cấu của xe, không lắp thêm các phụ kiện, thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe (thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn diện có thể làm pin/ắc-quy phát nổ).

Bảo trì, bảo dưỡng pin/ắc-quy cũng như hệ thống dẫn điện của xe thường xuyên. Định kỳ khoảng 3 tháng/lần nên đưa xe đi kiểm tra pin/ắc-quy, hệ thống sạc cũng như toàn bộ chiếc xe để kịp thời phát hiện và xử lý hư hỏng.

Rửa xe đúng cách. Không dùng tia nước áp lực cao hoặc phun trực tiếp vào các vị trí dưới yên xe. Sau khi rửa xe, cần lau khô khu vực pin/ắc-quy, phanh của xe rồi mới khởi động lại. Khi đi mưa về cần để xe ở vị trí khô ráo, thoáng gió để hong khô và kiểm tra xác định có nước vào trong vị trí pin/ắc-quy không.

Hãy dạy trẻ biết phải làm gì khi có cháy

Theo Cục Cảnh sát Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, mỗi gia đình cần phải có phương án thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn nếu có trẻ nhỏ trong nhà. Bởi trẻ em có thể rất hoảng loạn, cần được hướng dẫn rõ ràng và giúp ra khỏi nhà (trẻ em có thể không biết cách thoát nạn hoặc phải làm gì trừ khi có người lớn chỉ cho các em).

Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khuyến cáo, mỗi gia đình phải có phương án cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi không thể tự ra ngoài. Trong đó, hãy nói về những người có thể sẽ giúp các em ra ngoài an toàn. Bên cạnh đó, hãy dạy trẻ nên biết phải làm gì khi nghe thấy chuông báo động khi không có người lớn xung quanh. Giúp các em tập đi đến điểm an toàn bên ngoài của ngôi nhà. Dạy trẻ không bao giờ được quay lại bên trong một ngôi nhà đang cháy một khi chúng đã thoát nạn được ra ngoài. Dạy các em đi thấp và bò trên mặt đất, nơi không khí ít bị sự ảnh hưởng của khói hơn. Chỉ cho trẻ cách dùng mu bàn tay để kiểm tra độ nóng của cửa trước khi mở và sử dụng một lối thoát nạn khác nếu cửa bị nóng. Nếu trẻ nhỏ cần sử dụng thang thoát hiểm, hãy chỉ nơi để và hướng dẫn thực hành cách sử dụng (lưu ý luôn luôn phải có sự hướng dẫn của người lớn).

Tác giả: Minh Hoa (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến