Bộ Công an lên tiếng về những rủi ro khi kinh doanh tiền ảo
06/10/2016 15:23:28
Theo Bộ Công an, tại Việt Nam có nhiều trang mạng kinh doanh tiền ảo theo mô hình đa cấp, ẩn chứa nhiều rủi ro đối với người tham gia.

Thời gian gần đây liên tiếp nhiều sàn giao dịch hoạt động kinh doanh theo mô hình đa cấp bằng hình thức cho – nhận tiền nhằm chiếm đoạt tài sản bị phát hiện hoặc ngừng hoạt động khiến hàng nghìn người dân lâm vào cảnh điêu đứng mất trắng tiền tỷ. Tại Việt Nam, hiện còn rất nhiều trang mạng hoạt động theo mô hình tương tự, ẩn chứa nhiều rủi ro đối với người tham gia.

Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Thương mại điện tử- Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an

Thưa bà, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an (C50) vừa bắt giữ một nhóm đối tượng cầm đầu tổ chức, điều hành website gold889.com hoạt động kinh doanh theo mô hình đa cấp bằng hình thức cho – nhận tiền nhằm chiếm đoạt tài sản. Bà có thể cho biết thêm thông tin về mô hình kinh doanh này?

Đây là mô hình “cho nhận tài chính” hoạt động nhận tiền gửi có trả lãi và hoa hồng khi giới thiệu được thêm người tham gia. Tiền không được đưa vào sản xuất kinh doanh để tạo lợi nhuận, mà chỉ lấy của những người tham gia sau trả cho những người tham gia trước đó.

Những người tham gia phải tích phải cực giới thiệu được thêm người mới tham gia để được hưởng hoa hồng, hoa hồng được trả theo mô hình đa cấp. Khi không có người mới tham gia hệ thống, hệ thống sẽ không có tiền cho đi và số khách hàng đã cho đi và đang chờ nhận tiền về sẽ không được nhận lại.

Hiện nay, hình thức kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam đang diễn ra như thế nào và công tác quản lý còn có những khó khăn, vướng mắc gì, thưa bà?

Ngoài “ngân hàng cộng đồng bitcoin” hay còn gọi là FXMT4 ngừng hoạt động tại Gia Lai vừa qua, hiện nay tại Việt Nam còn có rất nhiều sàn cho nhận tài chính khác tương tự hoạt động tại Việt Nam sử dụng đồng tiền ảo Bitcoin như Airbitclub, Bitkingdom, BMW… Một số mô hình cho nhận tài chính sử dụng tiền việt hoạt động tương tự như M5, G5, Ex101, sm99, srow…

Các sàn có điểm chung là cho nhận tài chính thông qua đồng bitcoin, hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền người sau trả cho người trước. Bản chất là đa cấp biến tướng, đưa ra chiêu trò lãi suất khủng từ 30-80%/năm.

Hình thức kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam diễn ra tự phát, các cá nhân tự đứng ra mua đi bán lại các đồng tiền ảo mà không đăng ký với bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào.

Hiện nay, trong danh mục ngành nghề kinh doanh của Bộ kế hoạch Đầu tư chưa có ngành nghề “kinh doanh tiền điện tử”, nên các cá nhân này cũng kinh doanh tự phát, không biết đăng ký ở đâu. Việc xử lý vi phạm còn khó khăn do chưa có quy định pháp lý xử phạt hoạt động mua bán tiền điện tử.

Được biết, giao dịch tiền ảo là giao dịch “ẩn danh”, máy chủ lại ở nước ngoài, nếu xảy ra rủi ro, thì hướng xử lý như thế nào, thưa bà?

Theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Tuy nhiên, trong 1 số trường hợp rõ nét các đối tượng sử dụng tiền ảo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các cơ quan chức năng phát hiện ra các đối tượng và thu thập chứng cứ chứng minh hành vi của các đối tượng đó thì các đối tượng đó sẽ bị xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn như vụ hệ thống tiền ảo Liberty Reserve (LR) bị cơ quan chức năng của Mỹ đánh sập vì đã tham gia “rửa tiền” với tổng trị giá lên tới 6 tỷ USD, những người năm giữ tiền điện tử LR đã bị mất trắng. Thời điểm đó, Việt Nam cũng có nhiều người tham gia vào mạng lưới này. Hệ thống đó được lưu giữ quản lý tài khoản ở nước ngoài. Các cá nhân tự giao dịch với nhau, khi hệ thống sập thì khó trong việc điều tra xử lý.

Vậy cơ quan chức năng cần làm gì để quản lý hoạt động này, tránh những thiệt hại lớn đối với người tham gia khi xảy ra rủi ro, thưa bà?

Theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

Việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Do vậy, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

Xin cảm ơn bà!

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến