Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra chiều 1/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết hiện chi phí đầu vào cho sản xuất điện trên thế giới, khu vực và Việt Nam đều tăng khá cao, ảnh hưởng tới giá thành điện.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tập đoàn này lỗ khoảng 16.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay và ước tính cả năm tập đoàn này lỗ hơn 31.000 tỷ đồng. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết EVN đã có đề xuất điều chỉnh giá điện theo Quyết định 24.
"Bộ Công Thương đang cùng các bộ, ngành rà soát theo đề xuất của EVN, thực hiện theo đúng Quyết định 24, chỉ đạo của Thủ tướng và các cấp có thẩm quyền. Giá đầu vào tăng, cần có sự điều chỉnh, nhưng tăng ở mức nào các bộ, ngành phải rà soát theo đúng thực tế, sau đó đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định", ông Hải nói.
Chi tiết về đề xuất của EVN về mức tăng giá điện chưa được hé lộ. Theo tính toán của EVN hồi giữa năm cho thấy, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 lên mức 1.915,59 đồng/kWh. Mức này cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019, là 1.844,64 đồng/kWh.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đang xem xét đề xuất tăng giá điện của EVN.
Trước đó, thông tin từ EVN cho hay do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao.
Căn cứ diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm 2022 và kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ lên tới 64.805 tỷ đồng.
Tập đoàn này cho biết đã tiết giảm nhiều chi phí sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa dòng tiền, thực hiện thu cổ tức các công ty, tối ưu vận hành hệ thống điện, điều phối mua nguyên liệu từ nguồn giá rẻ... nên EVN đã cố gắng để giảm lỗ nêu trên khoảng 33.445 tỷ đồng, tác động làm giảm chi phí.
Dù vậy, EVN cho biết các giải pháp cũng không thể bù đắp được các chi phí mua điện đầu vào tăng quá lớn. Kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng đầu năm 2022 của công ty mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng, ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỷ đồng.
Theo EVN, với tình hình tài chính như vậy sẽ gây khó khăn trong các năm tiếp theo. Đó là việc không cân đối được dòng tiền, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện.
Theo Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, giá điện bình quân được điều chỉnh dựa trên biến động đầu vào của tất cả các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. |
Tác giả: Nguyễn Thu Huyền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy