Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, gây tác động cả trước mắt và lâu dài đối với nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu khoảng 4-5% trong năm nay.
Phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương về các giải pháp trọng tam nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương
PV: Thưa ông, tăng trưởng xuất nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm cho thấy những tín hiệu rất khả quan. Xin ông cho biết những lĩnh vực, ngành hàng cụ thể nào có đóng góp lớn vào kết quả này?
Ông Trần Thanh Hải: Kết quả này chúng ta thấy có sự đóng góp rất rõ của tất cả các ngành sản xuất, đặc biệt là các khối ngành công nghiệp. Các mặt hàng như dệt may, da giày - trong năm 2020 bị tác động rất lớn dẫn tới bị sụt giảm sâu 10%, nhưng trong một tháng rưỡi vừa qua cả hai ngành này cũng đã có bước tăng trưởng khá.
Đối với các mặt hàng khác như điện thoại, máy móc phụ tùng, linh kiện điện tử thì chúng ta cũng chứng kiến mức tăng trưởng rất cao, nó phản ánh nhu cầu của thế giới trong bối cảnh giãn cách xã hội bởi dịch bệnh nguy hiểm này việc tiêu dùng các sản phẩm đó vẫn rất lớn. Hiện nay, một số trung tâm sản xuất các mặt hàng tương tự như vậy ở các khu vực trên thế giới do những cách hạn chế sản xuất nên nguồn cung từ phía Việt Nam cũng tăng cao.
Còn đối với nhóm hàng nông sản thì chúng ta cũng thấy mặc dù kim ngạch không lớn so với nhóm hàng công nghiệp nhưng trong một tháng rưỡi vừa qua (tính đến 15/2) thì xuất khẩu nông sản cũng đã đạt được tăng trưởng tốt, với khoảng 5%.
PV: Còn đâu là những mặt hàng/lĩnh vực chịu tác động, ảnh hưởng/gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu 2 tháng qua, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải: Chúng ta cũng đã thấy, qua thời gian dịch bệnh vừa qua, nhóm các mặt hàng vẫn duy trì được sự tăng trưởng, thậm chí có sự tăng trưởng cao chính là nhóm các mặt hàng liên quan đến việc sử dụng cá nhân và ở trong nhà. Cụ thể là nhóm hàng đồ gỗ nội thất, máy móc thiết bị điện tử như máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động… đây là những sản phẩm mặc dù trong bối cảnh giãn cách xã hội nhưng nhu cầu tiêu dùng vẫn rất cao để phục vụ làm việc từ xa.
Còn những nhóm hàng bị ảnh hưởng trong năm 2020 thì chúng ta cũng thấy rõ là nhóm hàng dệt may, da giày. Đây là hai nhóm hàng có thể nói là nhu cầu tiêu dùng đã giảm xuống trong bối cảnh người dân phải thắt chặt chi tiêu và do đó đã có tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của hai nhóm hàng này của Việt Nam trong năm qua.
Trong năm 2020, nhất là trong giai đoạn đầu khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát chúng ta thấy có những đặc điểm tác động đến xuất nhập khẩu, trước hết đó là việc thiếu hụt về nguồn cung. Vào giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/2020, khi chúng ta khôi phục và thích ứng được về nguồn cung thì khó khăn tiếp theo là về thị trường, tức là cầu.
Đến cuối năm 2020 các vấn đề đó chúng ta đều vượt qua được thì thời điểm hiện nay, khó khăn lại nằm ở khâu giữa - logistics là khâu kết nối giữa cung và cầu. Cụ thể là những vấn đề như chi phí container rỗng gia tăng hoặc thiếu hụt các chuyến tàu, đặc biệt là đi các thị trường châu Âu, châu Mỹ đã làm cho chi phí vận chuyển tăng lên rất nhiều.
Còn ngay ở trong nước, chúng ta cũng thấy là tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở một số địa phương, việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cũng đã có những tác động nhất định đến khâu vận chuyển, lưu thông và do vậy thì các hàng hóa để đưa ra cảng đi xuất khẩu cũng phần nào bị ảnh hưởng.
PV: Vừa rồi ông có nói về vấn đề logistics, và ngay trong những ngày/tháng đầu năm đã cho thấy ảnh hưởng của việc chi phí thuê container rỗng và cước vận tải tàu biển tăng cao đột biến. Vậy, hiện nay chúng ta đã tháo gỡ vấn đề này như thế nào rồi, và cụ thể thì vấn đề này còn ảnh hưởng như thế nào đối với hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải: Trong những tháng cuối năm 2020 giá cước tàu biển cũng như cước thuê container rỗng tăng cao bất thường. Điều này một phần có nguyên nhân từ việc các cảng trọng điểm ở khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, Bắc Mỹ do tác động của dịch Covid-19 đã thiếu năng lực bốc dỡ, việc xử lý hàng hóa tại các cảng này giảm đáng kể. Do vậy đã gây ra ùn tắc ở các cảng, dẫn đến việc các tàu, container đã không thể thông quan được qua các cảng đó.
Tình trạng này cũng đã được các cơ quan bộ, ngành của Việt Nam nhận thấy và Bộ Giao thông vận tải - đơn vị chủ quản cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương có những buổi làm việc với các hãng tàu, Hiệp hội chủ hàng và các doanh nghiệp dịch vụ logistics để tìm hiểu và đưa ra các giải pháp.
Trong thời gian sắp tới, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ chủ trì thành lập đoàn kiểm tra (trong thành phần có cả đại diện của Bộ Công thương) để đi làm việc với các hãng tàu. Một mặt là để kiểm tra tình hình thực hiện Nghị định 146/CP về việc công khai công bố các chi phí liên quan đến các cước phí.
Mặt khác nhằm tìm ra các giải pháp cùng với các hãng tàu có thể gia tăng lượng container rỗng đưa về Việt Nam cũng như hợp lý hóa các khoản thu mà hiện nay các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phản ánh là tăng cao quá mức hợp lý. Hiện nay Bộ GTVT đã có quyết định thành lập rồi nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 bùng phát cho nên cũng chưa triển khai ngay được, hi vọng là trong tháng 3 thì đoàn sẽ đi làm việc được.
Những vấn đề như chi phí container rỗng gia tăng hoặc thiếu hụt các chuyến tàu, đặc biệt là đi các thị trường châu Âu, châu Mỹ đã làm cho chi phí vận chuyển tăng lên rất nhiều.
PV: Thưa ông, Bộ Công Thương đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu của năm nay chỉ là 4-5%, là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Vì sao Bộ Công Thương lại đặt ra mục tiêu này và khả năng đạt được ra sao, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải: Có thể nói diễn biến thời gian qua, đặc biệt là trong những năm gần đây cho thấy môi trường kinh doanh quốc tế hiện nay có những yếu tố bất ổn và xuất hiện rất nhanh. Ví dụ như sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ trong 10 năm vừa qua đã tác động rất sâu sắc và thay đổi hẳn bộ mặt của thương mại quốc tế, và đương nhiên có tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Dịch Covid-19 cũng là yếu tố mà trước đây các quốc gia hầu như chưa tính toán đến, thì bây giờ tất cả các kịch bản phát triển chúng ta cũng đều phải đưa ra những yếu tố tương tự như vậy - tức là những vấn đề có thể không lường trước được ngay - như thiên tai, dịch bệnh hoặc những xung đột thì đều có thể tiềm ẩn những bất ổn.
Đồng thời, việc Việt Nam hiện nay đã tham gia và có độ mở rất lớn trong quá trình hội nhập, chính vì vậy sự tương tác và phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào xuất nhập khẩu cũng sẽ có sự phụ thuộc lớn hơn từ các thị trường thế giới. Thì khi cân nhắc những yếu tố như vậy thì Bộ Công Thương đã đưa ra chỉ tiêu phát triển xuất khẩu trong thời gian tới ở mức 4-5% và cũng trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới cũng như ở Việt Nam thì đây cũng là yếu tố, chỉ tiêu hợp lý để chúng ta phấn đấu hoàn thành được trong thời gian tới.
PV: Chúng ta sẽ khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA) như thế nào, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA - là những hiệp định đã có hiệu lực cũng như Hiệp định RCEP mới đc ký kết, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải: Năm 2020 là một năm mà chúng ta thấy rằng có 3 Hiệp định thương mại tự do đã đi vào thực hiện và được ký kết, đó là Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP và Hiệp định UKVFTA. Đặc biệt trong đó Hiệp định EVFTA và Hiệp định RCE là những hiệp định có quy mô rất lớn và cũng được kỳ vọng sẽ giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam có thay đổi mạnh mẽ .
Và chúng ta cũng đã chứng kiến khi mà EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 thì ngay lập tức các số lượng các CO mẫu EUR.1 một là Form mẫu xuất khẩu đi EU đã tăng rất mạnh. Điều này đã thể hiện các doanh nghiệp của chúng ta đã nắm bắt được và khai thác được ngay lập tức các lợi thế từ Hiệp định này.
Tuy nhiên, chúng ta cũng chứng kiến tác động của Covid-19 lên khu vực thị trường châu Âu. Đến hết năm 2020 và cho tới thời điểm này thì xuất khẩu sang EU của Việt Nam cũng vẫn có được mức tăng trưởng tốt, không chỉ trong các nhóm hàng truyền thống mà kể cả những nhóm hàng mới, đặc biệt như đối với đồ gỗ cũng có sự gia tăng rất mạnh. Điều này là một tín hiệu mừng.
Trong thời gian tới, các Hiệp định này được thực thi một cách đầy đủ, toàn diện hơn và các yếu tố về dịch bệnh hy vọng sẽ sớm được đẩy lùi, chúng ta cũng sẽ thấy tác động tích cực tới hoạt động sản xuất của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
PV: Ngày 19/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, trong rất nhiều các giải pháp cụ thể, Thủ tướng đã yêu cầu: Bộ Công Thương và các bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài. Vậy, Bộ Công thương triển khai chỉ đạo này của Thủ tướng như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải: Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020 thì một trong những nhiệm vụ mà Bộ Công Thương triển khai tốt chính là việc ứng phó với các biện pháp về phòng vệ thương mại cũng như chủ động áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam đối với hàng hóa của các nước. Trong thời gian vừa qua chúng ta thấy các vụ kiện về phòng vệ thương mại cũng đã gia tăng rất cao, đặc biệt là xu hướng bảo hộ trong thương mại quốc tế nổi lên trong những năm vừa qua.
Với chức năng quản lý nhà nước, một mặt Bộ Công Thương cũng đã hoàn thiện được pháp luật về phòng vệ thương mại như luật quản lý ngoại thương và các văn bản liên quan. Nhưng vấn đề quan trọng nhất ở đây chính là Bộ Công Thương đã có hướng dẫn, trao đổi với các hiệp hội và các doanh nghiệp để có thể chủ động ứng phó được với các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước. Mặt khác chúng ta cũng có thể vận dụng một cách hợp lý, hiệu quả các biện pháp mà pháp luật cũng như cam kết quốc tế cho phép để bảo vệ nhà sản xuất cũng như người nông dân ở trong nước, qua đó giúp cho các ngành kinh tế của chúng ta có thể phát triển cũng như nâng cao sức cạnh tranh. Và đây cũng là nhiệm vụ trong tâm mà Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
PV: Tựu chung lại, ông có dự báo như thế nào về hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm nay và có lời khuyên như thế nào đối với cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh có khá nhiều ảnh hưởng bất lợi từ đại dịch Covid-19 cũng như các tác động từ bên ngoài, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải: Nhìn lại một năm chúng ta vừa thực hiện phòng chống dịch Covid-19 vừa thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, cho đến nay, một điểm có thể nói đáng mừng nhất được ghi nhận đó là khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua.
Tuy dịch bệnh không hề thuyên giảm, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nhanh chóng chuyển đổi, từ việc tìm các nguồn cung nguyên liệu mới đến các thị trường và khắc phục được các khó khăn đứt gãy của chuỗi cung ứng. Qua đó đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, đạt được thành tích xuất khẩu với kim ngạch xuất siêu hơn 19 tỷ USD năm 2020.
Đây là một điểm ghi nhận về khả năng thích ứng của các doanh nghiệp. Và có thể nói, dịch Covid-19 ở một góc độ nào đó cũng đã làm cho các doanh nghiệp của chúng ta phải đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc và thích ứng nhanh hơn. Cộng với những tác động của quá trình chuyển đổi số đã làm cho các doanh nghiệp phải thích ứng với một môi trường kinh doanh năng động, cũng như đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới hơn.
Năm 2021, chúng ta thấy rằng yếu tố dịch bệnh - kể cả trong thời gian tới khi mà dịch bệnh thuyên giảm - thì tác động của dịch Covid-19 cũng vẫn sẽ còn lâu dài - ít nhất trong một vài năm nữa mới trở lại bình thường được. Do vậy, các doanh nghiệp của chúng ta cần phải đặc biệt lưu ý đến yếu tố này để không thể chủ quan. Và chúng ta vẫn phải tiếp tục sử dụng các công cụ đã phát huy tốt trong năm 2020, ví dụ như việc sử dụng các kênh tiếp thị ở trên môi trường số.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã có trong tay các Hiệp định thương mại tự do với hầu hết các thị trường cơ bản, những thị trường lớn trên thế giới. Vấn đề bây giờ là doanh nghiệp của chúng ta sẽ phải tổ chức sắp xếp lại để tìm hiểu cho kỹ và vận dụng tốt hơn các lợi thế từ các Hiệp định này. Một số vấn đề lâu dài nữa mà chúng ta vẫn phải duy trì thực hiện thường xuyên, đó là về quản trị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như các yếu tố về cắt giảm thủ tục hành chính... để hỗ trợ doanh nghiệp.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Tác giả: Nguyên Long
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy