Giá mua điện dư là 671 đồng/kWh
Tại Dự thảo Nghị định cơ chế chính sách với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được Bộ Công thương trình Chính phủ ngày 11/7 đã chọn mức giá mua điện mặt trời dư có phát vào lưới quốc gia của hệ thống tự sản tự tiêu là 671 đồng/kWh cho năm 2024.
Theo Bộ Công thương, đây là mức giá được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán theo chi phí tránh được bình quân năm 2023.
Giá mua điện mặt trời mái nhà dư phát lên lưới được Bộ Công thương xác định là 671 đồng/kWh.
Mức giá này cũng được cho là không cố định và sẽ được Bộ Công thương điều chỉnh theo năm, sau khi có đề xuất của EVN, nhằm đảm bảo khuyến khích phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.
Cách xác định giá mua điện mặt trời mái nhà còn dư được phát lên lưới của hệ thống tự sản, tự tiêu là lựa chọn thứ ba trong số 3 phương án được Bộ Công thương đưa ra.
Cụ thể, phương án 1 là áp dụng bằng bình quân giá điện năng theo chi phí tránh được do Bộ Công thương ban hành. Phương án này được cho là đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với hiện trạng của hệ thống đo đêm hiện nay mà không cần tốn chi phí nâng cấp đảm bảo thanh toán theo thị trường điện; đặc biệt là các hộ nhỏ.
Phương án 1 này cũng đúng với bản chất của việc bán điện dư, không cam kết công suất, do vậy, không khuyến khích trả chi phí công suất tránh được trong trường hợp này.
Phương án 2 là lấy bằng giá biên thị trường điện (SMP) từng giờ (không bao gồm giá CAN) và trừ đi chi phí phân phối trên 1 kWh.
Việc loại trừ chi phí phân phối được lý giải là EVN đã đầu tư lưới phân phối để cấp điện cho khách hàng, do vậy, EVN phải thu hồi để bù đắp một phần chi phí phân phối không thu được trong quá trình khách hàng sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu mà không mua điện của EVN.
Phương án này cũng được Bộ Công thương đánh giá là đảm bảo tính thị trường hơn phương án 1, có thể áp dụng cho cả bán điện dư trong cơ chế DPPA không sử dụng lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, việc thực hiện lại rất phức tạp, khối lượng tính toán tăng lên nhiều vì phải tính từng chu kỳ giao dịch theo thị trường điện và phải tốn nhiều chi phí để nâng cấp hệ thống đo đếm theo thị trường, đặc biệt là những hộ tiêu thụ điện nhỏ (chi phí trang bị hệ thống đo đếm gấp 8 đến 10 lần hiện nay).
Cho biết hiện nay không có phương pháp nào phù hợp để xây dựng một giá mua điện dư, do đó, không đủ lý luận để lấy giá mua điện dư phát lên lưới điện quốc gia theo phương án 1 hay phương án 2. Để đơn giản trong thực hiện, nên Bộ Công thương đã đưa ra phương án 3, tạm áp dụng giá mua điện dư phát lên lưới từ 600 - 700 đồng/kWh.
Mua không quá 10% tổng công suất đặt hay 10% lượng điện dư phát lên lưới
Liên quan đến chỉ đạo “nghiên cứu thí điểm việc sản xuất điện dư không dùng hết thì được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất”, Bộ Công thương cũng đưa ra 3 phương án và chọn 1.
Theo đó, phương án được Bộ Công thương chọn là điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được thanh toán 10% sản lượng trên tổng sản lượng điện dư phát lên lưới quốc gia được ghi nhận bởi hệ thống đo đếm điện năng mua bán với khách hàng.
Việc lắp điện mặt trời mái nhà để tự sản tự tiêu cũng góp phần giảm sức ép lên hệ thống điện khi đầu tư nguồn lớn không có nhiều.
Phương án này được cho là đơn giản trong thực hiện, tiết kiệm chi phí đầu tư của người tiêu dùng so với phương án 1 là điện mặt trời mái nhà mặt trời tự sản tự tiêu sẽ bị khống chế công suất phát điện dư lên lưới điện quốc gia không quá 10% công suất lắp đặt hay phương án 3 là điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được thanh toán 10% sản lượng trên tổng sản lượng điện khách hàng mua từ lưới điện quốc gia được ghi nhận bởi hệ thống đo đếm điện năng mua bán với khách hàng.
Bình luận về đề xuất này của Bộ Công thương, các chuyên gia năng lượng tái tạo cho hay, không biết có sự hiểu nhầm về 10% này theo yêu cầu của Công văn số 4844/VPCP-CN hay không.
“Chúng tôi hiểu là khi lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu thì khuyến khích dùng cho nhu cầu của bên có mái là chính và phần không dùng hết được phát vào lưới điện quốc gia. Việc thanh toán sẽ không quá 10% tổng công suất lắp. Tuy nhiên, như phương án của Bộ Công thương thì phần thanh toán không được quá 10% tổng lượng điện dư phát lên lưới”, là băn khoăn của nhiều người khi đọc Dự thảo Nghị định và tờ trình của Bộ Công thương.
Hiểu nôm na là công suất lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là 10 MWp. Ví dụ, bản thân đơn vị có mái bên dưới dùng từ 7-9 MWp thì phần dư có thể phát lên lưới là từ 3 - 1 MW. Do đó, khi được thanh toán sẽ là không quá 1 MWp (10% công suất lắp đặt) chứ không phải là 0,3 - 0,1 MWp (10% phần điện dư phát lên lưới).
Phát triển bao nhiêu điện mặt trời mái nhà?
Cũng trong tờ trình của mình, Bộ Công thương có nhắc rằng “Việc mua bán điện dư trên hệ thống điện quốc gia là chưa phù hợp với Quy hoạch điện VII”. Điều này cũng được các chuyên gia lo lắng, nếu có thanh kiểm tra thì căn cứ pháp lý và hậu quả sẽ như thế nào.
Cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra những vấn đề có thể gây hiểu khác nhau trong quá trình triển khai Quy hoạch Điện VIII.
Cụ thể, tại Quyết định 500/QĐ-TTg (ngày 15/5/2023) phê quyệt Quy hoạch Điện VIII, tại điểm c, mục 1 Phần III về cơ cấu nguồn điện có ghi rõ, đến năm 2030, điện mặt trời mới là 12.836 MW (8,5%, không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu), gồm các nguồn điện mặt trời tập trung 10.236 MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW. Nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.
Tuy nhiên, trong Quyết định 262/QĐ-TTg (ngày 1/4/2024) phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, tại mục 2 Phần II về Công suất nguồn điện năng lượng tái tạo của các địa phương/vùng và danh mục các dự án nguồn điện tới năm 2030 có ghi “tổng công suất điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm là 2.600 MW. Kết quả phân bổ điện mặt trời mái nhà theo tỉnh tại Bảng 6, Phụ lục II. Việc phát triển điện mặt trời mái nhà thực hiện theo quy định pháp luật về phát triển điện mặt trời mái nhà, phù hợp với quy mô công suất được phê duyệt”.
“Quy hoạch vừa nói điện mặt trời tự sản tự tiêu là 2.600 MW và phân bổ cho từng địa phương công suất cụ thể xong cũng nói nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất. Điều này nên hiểu là như thế nào để các cơ quan cấp phép liên quan ở địa phương triển khai được theo hướng tạo điều kiện cho người dân và nhà đầu tư cũng như khuyến khích năng lượng tái tạo mà không lo sau này lại bị quy là thiếu trách nhiệm”, là băn khoăn của không ít người.
Tại Công văn số 4844/VPCP-CN ngày 10/7 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương được yêu cầu hoàn thiện Dự thảo Nghị định về Cơ chế chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu trình Phó thủ tướng trước ngày 11/7/2024 để xem xét, ký ban hành trước ngày 12/7/2024.
Tác giả: Thanh Hương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy