Dòng sự kiện:
Bộ Công Thương: Giá điện gió, điện mặt trời cần hài hoà lợi ích
04/04/2023 08:09:31
Việc đàm phán giá điện tái tạo cần tính toán trên cơ sở hài hoà lợi ích giữa các bên, chia sẻ rủi ro theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Chiều tối 3/4, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời báo chí liên quan đến ý kiến của một số nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo cho rằng khung giá điện mà Bộ Công Thương đưa ra là thấp khiến doanh nghiệp không có lãi, cũng như chưa thể gửi hồ sơ đàm phán với EVN.

Theo ông Hải, từ trước đến nay giá FIT là cơ chế hỗ trợ được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió được quy định trong một khoảng thời gian nhất định.

Sau khi cơ chế FIT hết hiệu lực cần có một cơ chế giá điện mới cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. “Điều này cần đảm đúng các yêu cầu của pháp luật hiện hành”, ông Hải nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, để xây dựng được khung giá điện này, ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 15 quy định phương pháp để xác định khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời và điện gió chuyển tiếp.

Căn cứ Thông tư 15, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương kết quả tính toán khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Trên cơ sở tính toán của EVN, Bộ Công Thương đã tham khảo và tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan. Sau đó đã công bố ban hành Quyết định 21 quy định về khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời và nhà máy điện gió chuyển tiếp để cho EVN và các chủ đầu tư thoả thuận để sớm đưa các nhà máy vào vận hành tránh gây lãng phí.

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời tại họp báo.

Ông Hải nhấn mạnh, khung giá đã được tính toán trên cơ sở dữ liệu thu thập từ báo cáo ý kiến khả thi, thiết kế kỹ thuật được thẩm định của 102 nhà máy điện mặt trời và 109 nhà máy điện gió. Việc lựa chọn thông số đầu vào để chuẩn hoá tính toán khung giá đã được thực hiện theo đúng tinh thần của Thông tư 15.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, theo số liệu của các nhà tư vấn trong nước và quốc tế, suất đầu tư điện gió, điện mặt trời trên thế giới có xu hướng giảm mạnh trong thời gian qua”

“Sau khi có khung giá điện, Bộ Công Thương đã yêu cầu phối hợp với các chủ đầu tư của nhà máy thoả thuận giá điện để sớm đưa vào vận hành. Việc đàm phán cần tính toán trên cơ sở hài hoà lợi ích giữa các bên, chia sẻ rủi ro theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Ngoài ra, các dự án phải chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy…

“Rất mong EVN và các chủ đầu tư thực hiện đúng theo tinh thần để sớm đưa nhà máy vào vận hành song phải tuân thủ theo đúng quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Hải cho biết.

Trước đó, ngày 7/1/2023 vừa qua, Bộ Công Thương đã đưa ra quyết định ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Văn bản này là kết quả của những tính toán trước đó do EVN đệ trình.

Theo đó, giá điện mặt trời mặt đất là 1.184đ/kWh, thấp hơn 29,5% so với mức giá FIT đạt. Giá điện gió trên bờ và ngoài khơi cũng thấp hơn khoảng 21%, lần lượt là 1.587 đồng/kWh và 1.816 đồng/kWh.

Phương án kinh doanh xăng dầu tốt nhất

cũng tại họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về tiến độ xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan để lấy ý kiến để xây dựng Nghị định sát với thực tế, đáp ứng các mức cao nhất của các đối tượng liên quan.

“Bất kể Nghị định hay văn bản quy định pháp luật nào không thể hoàn thiện mà chỉ là những phương án tốt nhất trong một thời điểm nào đó. Sang năm tình hình có thể hoàn toàn khác”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tác giả: Nguyễn Thu Huyền

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến