Dòng sự kiện:
Bộ Công Thương hoàn thành xây dựng cơ chế mua bán điện khí để báo cáo Chính phủ
17/04/2024 12:40:50
Cơ chế quy định cho nhà máy điện khí sử dụng LNG nhập khẩu theo hướng chủ động đàm phán, ký kết, cơ quan có thẩm quyền đồng ý nguyên tắc cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện của các nhà máy điện.

Cụm điện-khí-đạm Cà Mau. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Quy hoạch điện VIII thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, tổng công suất đặt các nguồn điện đến 2030 là 150,489 GW (gần gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay, khoảng 80 GW), trong đó, tổng công suất các nguồn điện khí phải đầu tư xây dựng mới là 30.424 MW (khí trong nước 10 dự án với tổng công suất 7.900 MW và LNG có 13 dự án với tổng công suất 22.824 MW);

Triển khai Quyết định 500/QĐ-TTg, thời gian qua Bộ Công Thương đã hoàn thiện xây dựng và trình Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Riêng với điện khí, Bộ Công Thương đã tổ chức họp nhiều lần để thảo luận lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành, địa phương, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức liên quan.

Qua các cuộc họp, các ý kiến đều thống nhất rằng cần thiết phải xây dựng cơ chế phát triển điện khí để báo cáo Chính phủ nhằm giải quyết một số vướng mắc về phát triển loại hình nguồn điện này. Đến thời điểm này, Bộ Công Thương đã hoàn thành dự thảo để báo cáo Chính phủ trước khi lấy ý kiến rộng rãi.

Trong đó, đối tượng áp dụng bao gồm: Đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện khí đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; Các đơn vị điện lực (Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Đơn vị điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện).

Cơ chế cũng quy định cho nhà máy điện khí sử dụng LNG nhập khẩu theo hướng các doanh nghiệp phải chủ động đàm phán, ký kết và chịu trách nhiệm về các hợp đồng, thỏa thuận thương mại; cơ quan có thẩm quyền đồng ý nguyên tắc cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện của các nhà máy điện.

Theo đại diện Bộ Công Thương, việc quyết định tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn (Qc) ở mức phù hợp trong thời gian trả nợ của dự án LNG nhằm đảm bảo khả thi trong việc thu hút đầu tư dự án điện khí LNG, tránh tác động mạnh lên giá bán lẻ cũng như đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng với các loại hình nguồn điện khác trên thị trường điện.

Việc mua bán điện vẫn phải thực hiện theo hợp đồng mẫu. (Ảnh: TTXVN)

Đối với cơ chế cho nhà máy điện khí sử dụng khí tự nhiên trong nước, cơ quan có thẩm quyền đồng ý nguyên tắc chuyển ngang giá khí sang giá điện của các nhà máy điện và giao các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn cơ chế tiêu thụ sản lượng khí thượng nguồn mỏ khí Cá Voi Xanh, khí Lô B.

Việc mua bán điện vẫn phải thực hiện theo hợp đồng mẫu do Bộ Công Thương ban hành để tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh và bán điện năng của nhà máy điện lên thị trường điện giao ngay.

Chi phí mua điện của các nhà máy điện sử dụng khí tự nhiên khai thác trong nước, LNG nhập khẩu là các chi phí hợp lý, hợp lệ và được tính toán điều chỉnh trong giá bán lẻ điện. Ngoài ra, cơ chế cũng quy định chi tiết về ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng, phương thức thanh toán, giải quyết tranh chấp (nếu có), bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán…/.

Tác giả: Đức Duy

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến