Dòng sự kiện:
Bộ Giao thông mời Bộ Công an 'biệt phái' cán bộ chống tiêu cực BOT
27/06/2018 13:00:51
"Bộ Giao thông vận tải mời Bộ Công an cử một số thượng tá 'biệt phái' sang Bộ GTVT. Thậm chí chúng tôi bố trí phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng để tăng cường giám sát thực hiện các dự án BT, BOT…"

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tham luận tại hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng ngày 25/6. Ảnh: Nam Trần

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chia sẻ như vậy trong tham luận tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 25/6 tại Hà Nội.

Mời công an "biệt phái", "nằm vùng"

Theo ông Thể, do luật pháp chưa hoàn chỉnh, thời gian vừa qua các dự án BT, BOT giao thông bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Ông Thể đưa ra 6 nhóm giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các dự án này.

Trong đó có việc phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương trong các dự án BOT, BT, đảm bảo công khai, minh bạch, kiểm tra chéo để đảm bảo sự đồng thuận cao.

Cụ thể, Bộ GTVT đã chủ động mời Bộ Xây dựng tham gia thẩm tra dự toán của các dự án này, mời Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán các dự án này trước khi Bộ GTVT quyết toán và xác định thời gian thu phí, mời thanh tra Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính tham gia thanh tra các dự án BT, BOT.

"Đặc biệt, Bộ GTVT mời Bộ Công an 'biệt phái' một số thượng tá sang Bộ GTVT, còn chúng tôi bố trí phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng để tăng cường giám sát việc thực hiện các dự án BT, BOT, nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để có thể dễ dàng phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Bộ GTVT cũng xin ý kiến chính quyền địa phương, đặc biệt là HĐND và đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố đối với các dự án BT, BOT.

Các trạm thu phí và các dự án BOT là nỗi đau đầu của Bộ GTVT thời gian gần đây. Ảnh: TT

Công khai tất cả thông tin dự án BOT

Các giải pháp khác mà bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu là hoàn chỉnh thể chế về đầu tư theo hình thức BOT và tăng cường quản lý nhà nước đối với các dự án BOT, BT.

"Cái này là trách nhiệm của bộ. Có những quy định chưa ban hành, chúng tôi đã đặt ra để tăng cường công tác quản lý. Ví dụ yêu cầu nhà đầu tư báo cáo hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán. Sau khi bộ kiểm tra, thẩm tra xong nhà đầu tư mới được phê duyệt triển khai", Bộ trưởng Thể cho biết.

"Chúng tôi nghĩ nhà thầu, nhà đầu tư sẽ thu tiền lại của dân, mà dân nộp thuế ngân sách nhà nước, dân trả tiền thì đây cũng là tiền của nhà nước. Do đó chúng tôi quản lý các dự án này như các dự án nhà nước để đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, tránh tình trạng hồ sơ sơ sài, dẫn đến sai sót".

Một giải pháp khác là công khai minh bạch các dự án BT, BOT để nhân dân và các tổ chức giám sát: Các thông số, chính sách về miễn giảm xe đi qua trạm phải được công khai để tránh tình trạng so sánh giữa các địa phương và có khiếu nại.

"Bộ đã công khai tất cả thông tin dự án BOT, BT, kể cả các nhà đầu tư, thời gian thu phí, chi phí đầu tư, chi phí quyết toán trên trang web của bộ. Chúng tôi mở danh mục 74 dự án BOT được công khai rộng rãi, tất cả phóng viên, người dân có thể truy cập được", bộ trưởng Bộ GTVT chia sẻ.

Và cuối cùng là tập trung quyết toán các dự án BOT và tổ chức đấu thầu, tránh chỉ định đấu thầu dù việc này là được phép.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết cuối năm 2018 sẽ triển khai thu phí tự động ở quốc lộ 1, và cuối năm 2019 là ở đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

"Bộ sẽ công khai toàn bộ các dự án BOT trước khi triển khai thu phí tự động. Tại các trạm thu phí BOT, chúng tôi sẽ công khai toàn bộ các thông số cho nhân dân nắm tình hình thu phí đến thời điểm hiện tại được bao nhiêu và thời gian còn lại bao nhiêu để người dân giám sát", ông Thể nói.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng khẳng định "không triển khai thi công các dự án BOT trên các đường hiện hữu, độc đạo, chỉ làm trên đường song hành, đường mới hoàn toàn".

Theo Tuổi trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến