Dự án đường cao tốc Bắc-Nam đã chính thức được Quốc hội thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư một số đoạn tuyến. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Bộ Giao thông Vận tải vừa quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, chỉ dẫn kỹ thuật gói thầu XL.03B (Thi công thân trụ từ trụ T14 đến trụ T17 và kết cấu phần trên nhịp chính dây văng; kè gia cố bờ sông; hệ thống an toàn giao thông đường bộ; hệ thống điện chiếu sáng) của dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu thuộc dự án xây dựng cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, nối huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) và thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu khoảng 350m về phía thượng lưu.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải), tổng chiều dài gói thầu XL.03B là 650m, thời gian thi công 26 tháng, giá trị hợp đồng theo kế hoạch đấu thầu dự kiến là 1.321,3 tỷ đồng. Dự kiến khởi công tháng 9/2021 và hoàn thành tháng 12/2023.
Trước đó, ngày 1/9 vừa qua, gói thầu XL.03A là thi công cọc khoan nhồi và bệ các trụ nhịp chính dây văng (hơn 595 tỷ đồng) đã được khởi công và dự kiến hoàn thành tháng 12/2021.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu có điểm đầu tại Km101+126 khớp nối với dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận; điểm cuối tại Km107+740 nối với dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ.
Chiều dài dự án khoảng 6,61km; trong đó, phần cầu chính (cầu Mỹ Thuận 2) dài 1.906m, đầu tư hoàn chỉnh với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, bề rộng mặt cầu phần xe chạy là 25m, nhịp chính kết cấu dây văng dài 650m, nhịp dẫn dài 1.276m; đường dẫn và cầu trên tuyến dài 4,704km.
Dự án thuộc loại hình công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt (đối với phần cầu Mỹ Thuận 2) và cấp 1 (đối với phần đường dẫn). Tổng mức đầu tư 5.003 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2023.
Về giải phóng mặt bằng, toàn bộ dự án hiện đã chi trả bồi thường cho 487/501 hộ (đạt 97%), bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công 6,44/6,61km và triển khai thi công được 4/5 gói thầu xây lắp (còn gói thầu XL.03B).
Kế hoạch vốn từ đầu dự án đến nay là hơn 1.665 tỷ đồng (giải ngân hết năm 2019 là hơn 474,6 tỷ đồng). Kế hoạch vốn năm 2020 là hơn 691,1 tỷ đồng và đã giải ngân được hơn 538 tỷ đồng (đạt 77,85%).
Trước đó, ngày 19/8/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức triển khai thi công xây dựng dự án. Dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước nhằm kết nối hai tuyến đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đi Cần Thơ theo quy hoạch, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối các đường trục chính đã và đang xây dựng tại khu vực Tây Nam Bộ.
Liên quan đến một dự án giao thông trọng điểm phía Nam khác là dự án cầu Rạch Miễu 2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa ký Quyết định số 2150/QĐ- BGTVT về việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cẩu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.
Cụ thể, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long được Bộ Giao thông Vận tải giao lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và chuẩn bị các thủ tục đầu tư theo đúng tiến độ, kế hoạch yêu cầu.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1741/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải.
Dự án cầu Rạch Miễu 2 có tổng chiều dài tuyến khoảng 17,5km, điểm đầu giao cắt giữa Quốc lộ 1 với Đường tỉnh 870 thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang và điểm cuối kết nối với Quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông thuộc tỉnh Bến Tre.
Dự án bắt đầu từ vị trí giao cắt giữa Quốc lộ 1 với Đường tỉnh 870 thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, sau đó đi theo Đường tỉnh 870 và vượt sông Tiền (cầu Rạch Miễu 2), đi qua và kết nối cồn Thới Sơn, vượt sông Mỹ Tho và đi theo tuyến mới, giao cắt với Quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông thuộc tỉnh Bến Tre.
Theo Quyết định số 1741/QĐ-TTg, dự án sẽ xây dựng cầu Rạch Miễu 2 vượt luồng chính sông Tiền với khổ thông thuyền là 110x37,5m và 220x30m, bề rộng cầu đáp ứng quy mô 4 làn xe cơ giới và dự kiến nhịp chính bằng kết cấu cầu dây văng.
Cầu vượt sông Mỹ Tho (khổ thông thuyền rộng 50x7m), bề rộng đáp ứng quy mô 4 làn xe cơ giới và dự kiến nhịp chính bằng kết cấu dầm liên tục; phần đường dẫn (bao gồm một số cầu trung và cầu nhỏ trên tuyến) được thiết kế với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h, mặt cắt ngang đáp ứng quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.
Tổng mức đầu tư dự án ước khoảng 5.175,45 tỷ đồng, được đầu tư bằng ngân sách Trung ương; trong đó vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 là 9 tỷ đồng; vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 là 5.166,45 tỷ đồng, được bố trí trong tổng mức vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông Vận tải.
Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2021 đến năm 2025.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy