Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp tục xây dựng kế hoạch phục hồi đường bay nội địa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc đánh giá tình hình thực hiện tổ chức hoạt động vận tải hành khách của lĩnh vực hàng không, đường sắt đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Trên cơ sở đánh giá thực tế kết quả thí điểm đợt đầu tiên, Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp tục xây dựng kế hoạch phục hồi đường bay nội địa trong thời gian từ ngày 21/10-30/11/2021.
Cụ thể, đường bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội-Đà Nẵng, Đà Nẵng- Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại thực hiện không quá 6 chuyến hàng ngày mỗi chiều từ 21/10-14/11 và không quá 7 chuyến hàng ngày mỗi chiều từ 15/11-30/11. Các đường bay khác thực hiện không quá 4 chuyến hàng ngày mỗi chiều.
Tần suất khai thác của mỗi hãng hàng không trên từng chặng bay sẽ được tăng thêm 1 chuyến bay/ngày vào các thời điểm ngày 1/11 và 15/11/2021 nếu hệ số sử dụng ghế trung bình trên chặng bay đó của toàn bộ các hãng hàng không trong vòng 7 ngày trước đó đạt từ 75% trở lên.
“Trong vòng 15 ngày kể từ ngày áp dụng, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương và trên toàn quốc để đề xuất phương án điều chỉnh tần suất khai thác phù hợp,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nói rõ.
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các hãng hàng không chỉ tiếp nhận vận chuyển hành khách có nhu cầu đi lại phục vụ quá trình phục hồi kinh tế theo thứ tự ưu tiên: Hoạt động công vụ, lực lượng phòng chống dịch COVID-19, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân và các đối tượng khác.
Đối với đường sắt, từ ngày 21/10, vận tải hàng hóa thực hiện theo biểu đồ chạy tàu đã được công bố theo quy định. Vận tải hành khách đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh chạy tối đa không quá 4 đôi tàu/ngày, đêm từ Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh; Hà Nội-Vinh chạy 1 đôi tàu/ ngày, đêm; Sài Gòn-Đà Nẵng chạy 1 đôi tàu/ngày, đêm; Hà Nội-Hải Phòng chạy tối đa 3 đôi tàu/ngày, đêm.
Bên cạnh quy định về tần suất chuyến bay, Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra điều kiện đối với hành khách từ ngày 21/10.
Trường hợp hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) phải đáp ứng điều kiện như có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành chuyến bay.
Trường hợp khác cần đáp ứng một trong ba điều kiện, bao gồm: Người có chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (trong đó, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay); người có giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc có giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay; người có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành chuyến bay.
Trước đó, cơ quan chức năng quy định hành khách đi máy bay, tàu hỏa phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19); có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay; thực hiện khai báo y tế theo quy định.
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ chỉ đạo về kế hoạch khai thác vận tải hàng không và đường sắt trong thời gian tới đồng thời chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố tiếp tục ủng hộ việc mở lại hoạt động vận tải hành khách trên các lĩnh vực.
Ngoài ra, các tỉnh, thành công bố kịp thời cấp độ dịch tại các địa phương để Sở Giao thông Vận tải các địa phương tra cứu và thống nhất tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh cho phù hợp theo quy định tại Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế.
Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, trong 8 ngày triển khai thực hiện (từ 10-17/10), 4 hãng hàng không Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines đã thực hiện khai thác 17 đường bay/21 đường bay theo kế hoạch đi/đến 17/22 cảng hàng không với 193 chuyến bay/tổng số 322 chuyến bay theo kế hoạch đạt tỷ lệ xấp xỉ 60%. Phía Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ ra nguyên nhân của việc vận hành các chuyến bay chưa đạt hiệu quả như kế hoạch như nhiều đường bay có nhu cầu thấp; quy định về phòng, chống dịch của một số địa phương; tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine phòng COVID19 tại nhiều địa phương còn thấp nên hành khách không thể đáp ứng điều kiện về tiêm đủ liều... |
Tác giả: Việt Hùng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy