Dòng sự kiện:
Bộ GTVT không muốn nhận lại VNR từ Siêu uỷ ban: 'Dùng dằng' đến bao giờ?
14/04/2020 14:51:31
Bộ GTVT vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu uỷ ban) về lại bộ này.

Bộ GTVT không muốn nhận lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị không điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) về lại Bộ GTVT.

Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Siêu uỷ ban cần sớm rà soát trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNR, trong đó cần có sắp xếp cơ cấu bộ máy phù hợp với quy định pháp luật (Luật Đường sắt, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các nghị định liên quan) về bảo trì, khai thác cũng như sướm nghiên cứu tách bạch kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải.

Bộ GTVT cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm rà soát điều chỉnh các quy định pháp luật trong việc quản lý, thực hiện bảo trì thường xuyên kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (Nghị định 11/2018/NĐ-CP ngày 16/1/2018 của Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNR, Nghị định 46/2018/NĐ-CP ngày 14/03/2018 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và các thông tư hướng dẫn thực hiện).

Tháng 11/2018, Bộ GTVT đã bàn giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cùng 4 "ông lớn" của ngành giao thông khác.

'Dùng dằng' đến bao giờ?

Đầu tháng 4 mới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã kiến nghị lên Chính phủ về việc tiếp tục được giữ quyền quản lý, đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại VNR, thay vì chuyển về Bộ GTVT.

"Đề xuất chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ CMSC về lại Bộ GTVT chỉ tận dụng được bộ máy cũ, mô hình cũ để thực hiện theo cơ chế cũ, mặc dù cơ chế này không còn phù hợp với tình hình thực tiễn", đó là nhận định của Chủ tịch Siêu uỷ ban Nguyễn Hoàng Anh khi ký văn bản hôm 30/3 gửi Thủ tướng Chính phủ.

Ông Hoàng Anh cho rằng đề xuất điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ Siêu uỷ ban về Bộ GTVT không phù hợp chủ trương của Đảng về tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Siêu uỷ ban kiến nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn ở lại để ủy ban này quản lý, tiếp tục đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước như 2 năm qua.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo với Thủ tướng rằng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có 5 vướng mắc thì uỷ ban đang phối hợp với các bộ giải quyết. Chỉ có một vướng mắc là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng khi chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp về ủy ban thì việc giao dự toán ngân sách kết cấu hạ tầng đường sắt gặp khó khăn.

"Tuy nhiên, đây không phải là vướng mắc phát sinh do chuyển giao về ủy ban", ông Hoàng Anh nhấn mạnh trong văn bản. Vì theo quy định hiện hành thì các bộ, cơ quan ngang bộ đều có thể đặt hàng cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Quy định này cho phép Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không bắt buộc phải trực thuộc Bộ GTVT mới đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ bảo trì.

Uỷ ban cũng giải thích thêm rằng ủy ban mới hoạt động hơn một năm, đang hoàn thiện về mô hình. Nếu chuyển Tổng công ty Đường sắt về lại mái nhà xưa đồng nghĩa với việc tách bạch các vai trò quản lý không còn ý nghĩa. Ủy ban đang phối hợp với các bộ xử lý cùng doanh nghiệp.

Chưa rõ cuộc tranh luận giữa các bộ về cơ chế quản lý các tập đoàn, tổng công ty bao giờ sẽ đến hồi kết.

Ngày 17/2, Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện đề xuất điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ GTVT.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận được một số ý kiến của chuyên gia và đại biểu Quốc hội đề nghị điều chuyển như trên để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của tổng công ty.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện những ưu điểm và nhược điểm của đề xuất này, báo cáo Thủ tướng phương án sắp xếp vào đầu tháng 3.

Hồi tháng 11/2018, Bộ GTVT đã bàn giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cùng 4 "ông lớn" của ngành giao thông khác là Tổng công ty Hàng hải, Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc, Tổng công ty Cảng hàng không và Tổng công ty Hàng không về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Liên quan đến Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, mới đây, vì sử dụng sai mục đích, công ty này đã bị yêu cầu thu hồi 2 lô đất 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu (Hà Nội) về cho Nhà nước sau 4 năm Tổng Thanh tra Chính phủ đưa ra kết luận.

Theo kết luận của TTCP, 2 lô "đất vàng" này được Nhà nước cho VNR thuê và hết hạn từ năm 1996.  Tuy nhiên, VNR vẫn góp vốn bằng quyền sử dụng 2 lô đất trên với Công ty TNHH Hà Thành để thành lập Công ty TNHH khách sạn thương mại Sài Gòn.

"VNR lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện trái chủ trương, quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu…", kết luận Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện kiểm điểm, xử lý những tập thể, cá nhân liên quan việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại số 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu (Hà Nội).

Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính, UBND TP Hà Nội, VNR xử lý các sai phạm có liên quan, thu hồi tài sản nhà nước và lập phương án sử dụng 2 lô đất hiệu quả, đúng pháp luật.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến