Dòng sự kiện:
Bỏ lại năm 2022 nhiều sóng gió, nhiều CTCK ôm mộng lợi nhuận tăng đột biến
03/04/2023 10:13:02
Mặc cho những dự báo về thị trường còn biến động, phần lớn công ty chứng khoán tự tin đưa ra kế hoạch kinh doanh đầy triển vọng cho 2023.

Tham vọng lợi nhuận 2023

Sau giai đoạn tăng trưởng thần tốc và mở rộng quy mô tài sản, sang năm 2023, các công ty chứng khoán đã trở nên thận trọng hơn trong việc đặt ra kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, cũng không ít công ty đã mạnh dạn đưa ra kế hoạch lợi nhuận tăng bằng lần so với mức thực hiện năm 2022.

Gần đây nhất, CTCP Chứng khoán SSI (mã chứng khoán: SSI) đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ, theo đó SSI đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 6.917 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.540 tỷ đồng. Kế hoạch này tăng trưởng 9% về doanh thu và tăng 20% về lợi nhuận so với thực hiện năm 2022. Tuy vậy mức lãi này vẫn thấp hơn so với đỉnh lợi nhuận năm 2021 của công ty gần 25%.

Đi cùng với xu hướng hạ nhiệt của thị trường chứng khoán, năm 2022, SSI ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm so với năm 2021, riêng lãi trước thuế đã giảm hơn 37%, còn 2.110 tỷ đồng.

Cùng có triển vọng tích cực, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã chứng khoán: BSC) cũng có kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 565 tỷ đồng, gấp gần 4 lần thực hiện năm 2022 là 149 tỷ đồng. Đồng thời, BSC cũng đặt mục tiêu lọt top 10 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE năm 2023.

Theo ban lãnh đạo BSC, kinh tế vĩ mô Việt Nam đối diện nhiều thách thức khi suy thoái kinh tế nhiều khả năng xảy ra. Song, Việt Nam vẫn là quốc gia được nhiều tổ chức uy tín nhận định là điểm đến đầu tư lý tưởng với mức tăng trưởng tốt.

Một công ty cũng thuộc hệ sinh thái của ngân hàng khác là CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) đặt chỉ tiêu doanh thu 2.501 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với thực hiện năm ngoái, lợi nhuận trước thuế cũng gấp gần 3 lần lên 1.608 tỷ đồng.

Thậm chí, Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (mã chứng khoán: VIG) còn đưa ra mục tiêu tham vọng cho năm 2023 với doanh thu gần 119 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 50 tỷ đồng, lần lượt tăng 65% và gấp 19 lần thực hiện năm 2022. Trong năm 2023, công ty đặt mục tiêu xóa hết lỗ lũy kế từ nguồn lợi nhuận để lại và các nguồn thặng dư vốn khác.

Ngoài ra, còn khá nhiều công ty chứng khoán đặt mục tiêu tăng trưởng dương trong năm nay. CTCP Chứng khoán Mirae Asset (mã chứng khoán: MAS) đặt chỉ tiêu doanh thu 2.763 tỷ đồng, tăng 4,6% so với thực hiện năm 2022 và lợi nhuận trước thuế 852 tỷ đồng, tăng 3,1%.

VietinBank Securities (mã chứng khoán: CTS) cũng thông qua kế hoạch 2023 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế gấp gần 3 lần thực hiện 2022, đạt hơn 230 tỷ đồng. Chứng khoán VIX (mã chứng khoán: VIX) đã lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 80% lên 676 tỷ đồng.

Thận trọng trước mọi rủi ro thị trường

Trái ngược với tâm lý tự tin, một số công ty chứng khoán lựa chọn đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi dựa vào mức điểm “xám xịt” của thị trường những tháng cuối năm 2022, đóng cửa ngày 30/12/2022, VN-Index đóng cửa tại mức 1.007,09 điểm, giảm 32,8% so với thời điểm 31/12/2021.

HNX-Index và UPCOM-Index lần lượt giảm 56,7% và 36,4%. Thanh khoản thị trường năm 2022 đạt đỉnh vào tháng 3, với mức 32.424 tỷ đồng/phiên, tuy nhiên đến tháng 12 chỉ còn 16.249 tỷ đồng/phiên. Giá trị thanh khoản bình quân phiên giảm 24,67% so với năm 2021.

Tổng hợp từ báo cáo tài chính quý IV/2022, hầu hết các công ty chứng khoán đều ghi nhận mức lỗ trong quý IV, có nơi còn tăng trưởng âm. Thống kê của Người Đưa Tin từ 20 công ty chứng khoán cho thấy lợi nhuận sau thuế của các đơn vị này đến hết năm 2022 vào khoảng 6.663 tỷ đồng, giảm gần 40% so với kết quả năm 2021 là 10.974 tỷ đồng.

Theo đó, CTCP Chứng khoán FPT (FPTS – mã chứng khoán: FTS) đã dự kiến có năm thứ 2 liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận âm khi đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 là 420 tỷ đồng, giảm hơn 34% so với năm 2022. Tỉ lệ giữa lãi trước thuế trên vốn điều lệ năm 2023 dự kiến giảm còn 19,6%, từ mức 32,7% năm trước.

Tương tự, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC – mã chứng khoán: VCI) cũng đặt kế hoạch năm 2023 khá khiêm tốn. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế dự kiến của VCSC là 1.000 tỷ đồng, giảm 5,6%, doanh thu dự kiến đạt 3.246 tỷ đồng, chỉ tăng 2,8% so với năm 2022.

Trong báo cáo chiến lược của mình, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã nhận định năm 2023 cả nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ có hai nửa diễn biến tương đối khác nhau.

Trong những tháng đầu năm 2023, VDSC cho rằng thị trường sẽ có mức tăng nhưng không quá mạnh và khôn có sự ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho TPDN đáo hạn vẫn còn đó.

Tuy nhiên, từ giữa 2023, Rồng Việt kỳ vọng đà tăng sẽ vững chãi hơn dựa vào dự báo Fed có thể sẽ cắt giảm lãi suất sớm nhất vào quý I/2024, theo đó TTCK, đặc biệt là các TTCK mới nổi, sẽ phản ánh câu chuyện giảm lãi suất từ cách đó 4-6 tháng

Ngoài ra, VDSC nhận thấy tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn thị trường sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối 2023 nhờ: lãi suất giảm, đồng VND mạnh lên, giá nguyên vật liệu đầu vào giảm. Đà tăng trưởng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp tích cực sẽ là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của TTCK.

Thêm vào đó, việc thất thế của các cổ phiếu công nghệ đã dẫn đến sự chuyển hướng đầu tư sang các hoạt động kinh doanh truyền thống, đây cũng là bản chất của TTCK Việt Nam, nơi ngân hàng, bất động sản, điện lực, tiêu dùng chiếm ưu thế về vốn hóa.

Do vậy, Rồng Việt dự báo VN-index sẽ quay trở lại mức 1.300 – 1.350 điểm, trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 14% và định giá P/E 12 – 12,5 lần.

Tác giả: Phạm Hồng Nhung

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến