Dòng sự kiện:
Bộ não giả AI của robot Sophia hoạt động ra sao?
15/07/2018 09:36:09
Bị các chuyên gia đầu ngành về AI cho là "lừa bịp", Sophia thực chất là một chatbot có kèm theo gương mặt, được tạo ra để diễn thuyết theo những thông điệp soạn sẵn.

Sophia là một robot có hình dạng con người, được phát triển từ năm 2015 bởi Hanson Robotics - công ty có trụ sở tại Hong Kong. Nó có những biểu cảm trên gương mặt và có khả năng trả lời những câu hỏi bằng tiếng Anh.

Đến cuối 2017, Sophia được chính phủ Saudi Arabia cấp quyền công dân. Từ đó đến nay, Sophia được mang đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trả lời phỏng vấn các kênh truyền hình lớn nhỏ, xuất hiện quảng bá cho các sự kiện công nghệ.

Trong khi Siri của Apple, Alexa của Amazon hay Cortana của Microsoft chỉ đang dừng ở cấp độ "trợ lý ảo", robot Sophia - được phát triển trong ba năm tại một công ty Hong Kong ít tên tuổi - lại có thể nói chuyện với con người một cách sâu sắc và có nhiều biểu cảm. Điều này khiến những nhà khoa học máy tính hay chuyên gia hàng đầu về AI nghi ngờ, thậm chí gọi đây là trò lừa đảo "đội lốt" AI.

Trong một bài phỏng vấn với Quartz, Ben Goertzel, đồng sáng chế Sophia, đã thừa nhận robot này có thể được lập trình để ứng xử khác nhau tùy tình huống.

Phần mềm của Sofia được cấu thành từ ba phần: Trí tuệ ở mức rất cơ bản (trả lời những câu hỏi đơn giản), khả năng "diễn thuyết" với văn bản được nạp sẵn, kết hợp thuật toán để ngắt nối câu từ sao cho hợp lý. Cuối cùng là một hệ thống sử dụng chatbot kết hợp với cơ khí, giúp Sophia có thể nhìn ai đó, lắng nghe họ để lọc ra những "từ khóa" và ngữ nghĩa, sau đó lựa chọn những câu trả lời được soạn sẵn để phát ngôn.

Theo Goertzel, Sophia chỉ đơn thuần gắn kết những câu hội thoại lại với nhau trong một ngữ cảnh phù hợp, robot này thực ra không thể hiểu được mình nói cái gì. Khác với cơ chế dùng deep learning, machine learning của "AI xịn" từ Google hay Amazon, Sophia không có sự thấu hiểu.

Cũng theo Quartz, khi các chuyên gia "soi" mã nguồn mở của Sophia đăng tải trên GitHub, họ đã thống nhất rằng nên gọi Sophia là "một chatbot đi kèm gương mặt", chứ không phải một robot có AI nghiêm túc.

Yann LeCun, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về AI của Facebook, được đánh giá là chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cho rằng "Sophia là trò lừa gạt" và nhiều người đang bị Sophia lừa dối. "Nó không có cảm xúc, không có chính kiến. Và không hiểu biết về những gì nó nói. Nó không đau. Đó là một con rối", LeCun nói.

Nói một cách khác, Sophia chỉ đơn thuần là một robot diễn thuyết, "nói hộ" những thông điệp mà đội ngũ đứng sau nó muốn gửi gắm, hoặc những câu thoại phù hợp với sự kiện mà nó tham gia. Khi hoạt động, Sophia cần kết nối với máy tính và Internet.

Từ cuối 2017 đến nay, Sophia đường được mang đến các sự kiện chuyên về công nghệ để thu hút về mặt truyền thông. Tuy nhiên, báo chí phương tây thường dùng cụm từ "Humanoid robot" (robot có hình dạng người) thay vì "Robot có AI" như cách mà Hanson Robotics quảng bá. Một số câu hỏi mà phóng viên của ABC đặt ra cho Sophia cũng phải được gửi trước để nhóm phát triển có sự chuẩn bị.

Theo Zing.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến