Dòng sự kiện:
Bổ sung giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
09/09/2021 16:20:34
VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo xác định đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là các doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm 2020 không quá 300 tỷ đồng.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Bình Dương. (Ảnh: TTXVN)

Theo tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ quan này vừa tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết sự bùng phát của dịch COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có 24.000 doanh nghiệp, chiếm 28,1%.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

"Trước thực trạng đó, việc xây dựng dự thảo này với các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng và đang gặp nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19 là hết sức cần thiết," ông Phòng nhấn mạnh.

Các nhóm giải pháp hỗ trợ về thu ngân sách là nhóm giải pháp có hiệu ứng và tác động tốt nhất với các doanh nghiệp. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp thực tế tiếp cận được và đánh giá cao về tính hiệu quả, sự hữu ích đều cao hơn hẳn các nhóm giải pháp khác hỗ trợ về vốn, về cho vay trả lương cho người lao động…

Về cơ bản, một số giải pháp như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là hợp lý.

Tuy nhiên, để các giải pháp hỗ trợ thể hiện được mục tiêu đảm bảo các chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng, trúng đối tượng, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách Nhà nước thì theo ông Phòng, VCCI đã đề xuất một số việc cần thực hiện.

Cụ thể, đối với việc tăng thời hạn hỗ trợ cho doanh nghiệp, theo đề xuất trong dự thảo, các giải pháp như hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng kể từ thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết đến hết ngày 31/12/2021 đối với doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực.

Đồng thời, giảm số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý 3 và quý 4 của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Optrontec vina khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Như vậy, thời hạn áp dụng cho các giải pháp hỗ trợ này chỉ giới hạn trong năm 2021. Trong khi đó, từ năm 2020 đến nay, Việt Nam trải qua 4 đợt dịch bùng phát và đợt dịch bùng phát từ tháng 4/2021 trở lại đây đang ảnh hưởng rất nặng nề đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, sớm nhất thì phải đến quý 1 năm 2022, các hoạt động kinh tế mới trở lại trạng thái bình thường mới và doanh nghiệp sẽ dần khôi phục được tình hình sản xuất kinh doanh của mình. Chính vì vậy, VCCI đề nghị điều chỉnh thời hạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ sang đến hết tháng 6/2022.

Bên cạnh đó, theo dự thảo, mức giảm thuế giá trị gia tăng cho các loại hình dịch vụ như: du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, chiếu phim… là 30%.

Theo VCCI, mức hỗ trợ này cần mở rộng ra đến 50% để tạo ra hiệu ứng tác động lớn hơn và cú hích hồi phục mạnh hơn với các ngành đang chịu ảnh hưởng cực kỳ nặng nề bởi dịch bệnh này.

Về đối tượng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, theo Điều 4 Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 quy định một trong những tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là có tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng và dự thảo hiện nay đang quy định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho “người nộp thuế" có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng.

Như vậy, chưa thật hợp lý và sẽ loại bỏ một số doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra khỏi đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này.

Có thể thấy, các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu khá lớn và chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19.

Do đó, để đảm bảo tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo xác định đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là các doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm 2020 không quá 300 tỷ đồng.

"Hiện nay, để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy phát triển kinh tế nhiều doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự hoạt động và chịu rất nhiều chi phí liên quan đến phòng chống dịch bệnh. Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, các chi phí phòng chống dịch bệnh này quá lớn, doanh nghiệp không thể có hiệu quả kinh doanh, vốn tự có của doanh nghiệp đang bị ăn mòn dần," ông Phòng bày tỏ.

Chính vì vậy, VCCI kiến nghị bổ sung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp các chi phí về phòng chống dịch bệnh trong quá trình duy trì sản xuất, ít nhất là tại các địa phương và trong thời kỳ giãn cách tại một số nơi theo Chỉ thị 16/CT-TTg, thành khoản được hỗ trợ từ ngân sách, được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp sau.

Đây là giải pháp hỗ trợ trực tiếp và thiết thực dành cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về dịch bệnh nhất. Chính sách này cũng rất công bằng, những doanh nghiệp nào cố gắng cao nhất để thực hiện chủ trương của Chính phủ về duy trì mục tiêu kép sẽ được Nhà nước hỗ trợ và doanh nghiệp nào nỗ lực duy trì được càng nhiều việc làm thì được Nhà nước hỗ trợ càng lớn, VCCI nhấn mạnh.

VCCI cũng kiến nghị mở rộng phạm vi và quy mô khoản hỗ trợ từ ngân sách cho các doanh nghiệp. Trong trường hợp nguồn hỗ trợ này ảnh hưởng quá lớn đến thu ngân sách, không cân đối được, VCCI đề nghị trong Nghị quyết cần ấn định một hạn mức hỗ trợ ngân sách tối đa.

Điều này giúp gói hỗ trợ nhanh chóng có hiệu lực ngay trên thực tế với phạm vi đủ lớn, khắc phục một khó khăn trên thực tế của một số gói hỗ trợ thời gian qua là dù con số công bố lớn nhưng tỷ lệ thực hiện được trên thực tế quá thấp, chưa tạo ra được hiệu ứng mạnh.

Tác giả: Ngọc Quỳnh

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến