Giảm thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng dầu

Dù được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, nhưng gần đây, giá xăng tiếp tục tăng và “neo” ở mức cao. Theo các chuyên gia kinh tế, với diễn biến giá khó đoán như hiện nay, để “chặn” đà tăng của giá xăng dầu, nhà điều hành cần tính toán vận hành Quỹ Bình ổn xăng dầu cho phù hợp, để chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được hiệu quả, đồng thời góp phần hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định hiện hành, Bộ Công thương là cơ quan chủ trì điều hành Quỹ Bình ổn giá. Với vai trò là đơn vị phối hợp cho thấy, trong thời gian qua, thị trường thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt do xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động đến nguồn cung và tăng giá bán xăng dầu trên thị trường thế giới.

Để giảm tác động của giá thế giới tăng đến giá xăng dầu trong nước, trong thời gian qua, Quỹ Bình ổn giá đã được điều hành linh hoạt (giảm mức trích, tăng mức sử dụng), qua đó góp phần bình ổn giá xăng dầu, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Giá xăng dầu trong nước tăng thấp hơn đà tăng của giá thế giới. Ảnh: TL.

Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tiếp tục biến động phức tạp như hiện nay, việc tiếp tục tính toán, cân đối sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để góp phần bình ổn giá xăng dầu, qua đó hỗ trợ người tiêu dùng và sản xuất kinh doanh như báo phản ánh là giải pháp cần thiết.

Qua thống kê cho thấy, giá xăng dầu thế giới bình quân tính đến kỳ điều hành ngày 21/5/2022 có xu hướng tăng giá so với giá xăng dầu thế giới kỳ điều hành những ngày đầu năm từ 42,90% đến 56,97% tùy từng mặt hàng. Trong đó, cao nhất là xăng RON95 với mức tăng là gần 57% và xăng RON92 tăng là 55,05%.

Theo Bộ Công thương, giá xăng dầu thế giới tăng chủ yếu do nguồn cung xăng dầu khan hiếm. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao tại một nước lớn như Mỹ và một số nước Châu Âu cũng tác động làm giá xăng dầu thế giới tăng. Việc giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng cao đã tác động trực tiếp làm tăng giá xăng dầu trong nước.

Về điều hành giá xăng dầu trong nước, theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, giá bán xăng dầu trong nước được thực hiện theo cơ chế thị trường và phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Công tác điều hành giá xăng dầu trong nước đang bám sát theo diễn biến giá xăng dầu thế giới; đồng thời linh hoạt sử dụng Quỹ Bình ổn giá để hạn chế tối đa mức tăng giá xăng dầu trong nước. Qua đó, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp, hỗ trợ đời sống của người dân, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện nay giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu trong nước so với mức giá kỳ điều hành ngày 11/1/2022 tăng khoảng từ 25,89% đến 42,40%, thấp hơn so với tốc độ tăng của giá xăng dầu thành phẩm thế giới, thế giới tăng khoảng từ 42,90% đến 56,97%.

Đồng thời, để giảm đà tăng của giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh giảm 50% mức thuế Bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm 50% mức thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu nhờn và giảm 70% mức thuế Bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022 để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước từ kỳ điều hành ngày 1/4/2022: xăng giảm 2.000 đồng/lít; dầu điezen, mật giảm 1.000 đồng/lít; dầu hỏa giảm 700 đồng/lít.

Đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi xăng động cơ không pha chì

Để tiếp tục thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung, hiện Bộ Tài chính đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Trong đó xin ý kiến phương án giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng động cơ không pha chì từ 20% xuống còn 12% nhằm góp phần giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.

Cùng với đó, Bộ Công thương đã có các giải pháp về đảm bảo nguồn cung; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý. Đồng thời tăng cường sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước khi giá thế giới tiếp tục tăng.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương (cơ quan chủ trì) ban hành 13 văn bản điều hành xăng dầu, trong đó mặt hàng xăng là 10 lần tăng giá và 3 lần giảm giá; dầu diezen có 10 lần tăng giá và 3 lần giảm; dầu hỏa có 9 lần tăng giá, 3 lần giảm và 1 lần giữ ổn định giá; dầu madut có 8 lần tăng giá, 3 lần giảm và 2 lần giữ ổn định giá.

Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để điều hành linh hoạt giá xăng dầu. Trong đó, Bộ Công thương đang thực hiện nhiều giải pháp về đảm bảo nguồn cung; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.

Về điều hành giá, tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và làm tốt công tác dự báo; đồng thời tiếp tục cân đối sử dụng công cụ tài chính là Quỹ Bình ổn giá một cách linh hoạt, hiệu quả để hạn chế trường hợp tăng đột biến về giá.

Ngoài ra, tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá xăng dầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

Theo ông Đặng Công Khôi- Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, không phải đến thời điểm hiện nay mà ngay từ cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương dự báo diễn biến giá xăng dầu để cập nhật trong các kịch bản điều hành giá. Đồng thời, công tác quản lý điều hành giá tiếp tục được đẩy mạnh kiểm soát chặt chẽ thị trường, qua đó kiểm soát lạm phát cả năm theo mục tiêu dưới 4%./.