Dòng sự kiện:
Bộ Tài chính Mỹ chưa có kế hoạch can thiệp thị trường tiền tệ
30/08/2019 11:00:21
Lần gần nhất mà Chính phủ Mỹ can thiệp vào thị trường tiền tệ là vào năm 2011. Vào thời điểm đó, Mỹ và một loạt các quốc gia khác cùng có động thái tương tự vì đồng yen Nhật Bản tăng vọt.

Đồng USD ở Washington DC, ngày 20/8/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 28/8, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump không có ý định can thiệp vào thị trường đồng USD ngay bây giờ.

Nhưng đồng thời, ông Mnuchin cũng phát tín hiệu rằng ông mong muốn bất kỳ động thái nào trong tương lai liên quan tới vấn đề này nhận đều có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính Mỹ với Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các đồng minh trên toàn cầu.

Trong bài phỏng vấn, ông Mnuchin khẳng định tình hình có thể thay đổi trong tương lai, nhưng ngay bây giờ Bộ Tài chính Mỹ không có dự định nào về việc can thiệp thị trường tiền tệ.

Theo ông Mnuchin, một sự can thiệp đơn phương sẽ mâu thuẫn với những cam kết lâu dài mà Mỹ đã tái khẳng định hồi tháng 6/2019.

Khi đó, cùng với các thành viên khác trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Mỹ tuyên bố rằng việc chủ động làm suy yếu tỷ giá hối đoái để thúc đẩy xuất khẩu sẽ không có lợi cho bất kỳ quốc gia nào.

Lần gần nhất mà Chính phủ Mỹ can thiệp vào thị trường tiền tệ là vào năm 2011. Vào thời điểm đó, Mỹ và một loạt các quốc gia khác cùng có động thái tương tự vì đồng yen Nhật Bản tăng vọt sau trận động đất kinh hoàng tại nước này hồi tháng Ba cùng năm.

Nhìn chung, theo Bộ trưởng Mnuchin, sẽ tối ưu hơn nếu các cơ quan tài chính Mỹ phối hợp thực hiện những biện pháp can thiệp vì quy mô và mức độ của các thị trường tiền tệ đều rất lớn.

Bộ Tài chính Mỹ và Fed đã phối hợp trong ba lần can thiệp tiền tệ gần nhất của Chính phủ Mỹ vào các năm 1998, 2000 và 2011 để “nhẹ nhàng” điều hướng giá trị của đồng USD.

Nếu Bộ Tài chính Mỹ hành động đơn phương mà không có sự hợp tác từ Fed, xu hướng trên thị trường đồng USD có lẽ sẽ khó thay đổi nhiều. Đặc biệt là khi tính đến việc chi nhánh tại New York của ngân hàng trung ương này sẽ thực hiện các giao dịch tiền tệ thay mặt Bộ Tài chính Mỹ.

Hiện Bộ Tài chính Mỹ nắm giữ khoảng 94 tỷ USD khả dụng cho việc can thiệp thị trường tiền tệ. Nhưng đây chỉ là một khoản tiền tương đối nhỏ khi đặt nó cạnh 5.000 tỷ USD giao dịch ngoại hối mỗi ngày trên thị trường.

Sự hỗ trợ của Fed sẽ tăng gấp đôi tác động của khoản tiền trên trong trường hợp hai bên lại chia sẻ chi phí một cách đồng đều. Nhưng nếu Fed đứng ngoài cuộc, điều đó sẽ làm suy yếu các tín hiệu mà Bộ Tài chính Mỹ gửi đến các thị trường.

Chính quyền của Tổng thống Trump đã xem xét các biện pháp để chống lại đà mạnh lên của đồng USD, bao gồm cả việc can thiệp trực tiếp. Song các quan chức Mỹ hồi tháng trước cho biết rằng việc can thiệp đã bị gác lại trong thời điểm hiện tại, mặc dù Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục "phàn nàn" về một đồng bạc xanh mạnh.

Tổng thống Trump đã nhiều lần nêu lên mối lo ngại về giá trị của đồng USD so với các đối thủ kinh tế - đặc biệt là Trung Quốc, nước đang rơi vào cuộc thương chiến với Mỹ.

Với một đồng USD mạnh lên, các nhà chế tạo tại Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn khi bán sản phẩm của họ ra bên ngoài vì hàng hóa của họ đắt đỏ hơn đối với các khách hàng nước khác.

Trong khi đó, người tiêu dùng Mỹ lại có thể chi nhiều tiền hơn cho hàng hóa nhập khẩu, dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại của nước này bị “khoét” rộng hơn nữa.

Theo TTXVN

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến