Dòng sự kiện:
Bộ Tài chính: Phần lớn trái phiếu được CTCK mua sơ cấp và bán lại cho nhà đầu tư
03/06/2022 13:43:19
Khối lượng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trường thứ cấp năm 2021 là 1.846,37 nghìn tỷ đồng. Giao dịch tổ chức tín dụng và nhà đầu tư cá nhân chiếm 80%.

Ghi nhận trong báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và quý I/2022 mà Bộ Tài chính gửi tới Thủ tướng, không chỉ thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp mà thị trường thứ cấp cũng hoạt động sôi nổi.

Cụ thể, với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tổng khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn trong năm 2021 là 140.316,9 tỷ đồng, tương đương 23,15% khối lượng phát hành; khối lượng trái phiếu đã thực hiện chuyển đổi là 4.580,61 tỷ đồng, tương đương 157% khối lượng trái phiếu chuyển đổi phát hành trong năm 2021.

Bộ Tài chính cho biết, khối lượng giao dịch trên cơ sở báo cáo của 45 tổ chức đăng ký, lưu ý trong năm 2021 là 1.846,37 nghìn tỷ đồng. Theo đó, hoạt động giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp trái phiếu riêng lẻ là khá lớn, đạt bình quân 7.385 tỷ đồng/ngày, chủ yếu giữa các công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng và nhà đầu tư cá nhân.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho biết trên thị trường thứ cấp, tỉ lệ mua của các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư cá nhân cao hơn trên thị trường sơ cấp. Đến hết năm 2021, tỉ trọng nắm giữ của các tổ chức tín dụng và các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp lần lượt là 61,57% và 19% tổng khối lượng trái phiếu lưu ký đã phát hành trong năm 2021.

"Như vậy, phần lớn các trái phiếu được công ty chứng khoán mua trên sơ cấp và phân phối lại cho tổ chức tín dụng, nhà đầu tư các nhân và các tổ chức khác", Bộ Tài chính nêu.

Tổ chức tín dụng và nhà đầu tư cá nhân là người mua chính trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2021, chiếm trên 80%. Khoảng 20% còn lại là do các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức khác mua. Nhà đầu tư chuyên nghiệp tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, mặc dù mua trên thị trường sơ cấp chỉ 5,4% nhưng mua lại từ công ty chứng khoán trên thị trường thứ cấp đã chiếm 19% tổng giá trị phát hành trái phiếu năm 2021.

Không chỉ thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp mà thị trường thứ cấp cũng hoạt động sôi nổi.

Tính chung toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2021, các tổ chức tín dụng nắm 44,46% tổng khối lượng trái phiếu lưu ký, các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ 30,85% tổng khối lượng trái phiếu lưu ký. Số còn lại khoảng 30% do các tổ chức phi tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm nắm giữ.

Còn đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp niêm yết, trên 2 Sở Giao dịch có 29 mã trái phiếu doanh nghiệp niêm yết. Trong đó, HoSE có 18 mã còn HNX có 11 mã, với tổng giá trị niêm yết là 23.082 tỷ đồng, tương đương 1,6% dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp niêm yết năm 2021 là 49.352,17 tỷ đồng, bình quân khoảng 200 tỷ đồng/phiên.

Bộ Tài chính cho biết, năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn cho đa dạng lĩnh vực (sản xuất, thương mại, dịch vụ, năng lượng...) Dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của dịch, các doanh nghiệp vẫn lựa chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn với khối lượng phát hành tăng 40,36% so với năm 2020.

Theo Bộ Tài chính, nhu cầu giao dịch trên thị trường thứ cấp là tương đối lớn, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao dịch là cần thiết để tăng cường tính minh bạch của thị trường, vừa thúc đẩy thanh khoản trái phiếu.

Tác giả: Trần Thu Thảo

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến