Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết trong bối cảnh hiện nay, quan điểm xuyên suốt của Chính phủ đối với việc tăng giá các loại hàng hóa, dịch vụ (đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế) là phải được cân nhắc thận trọng.
Theo đó, các đơn vị thực hiện cần có những đánh giá tác động kỹ càng trước khi trình các cấp có thẩm quyền quyết định, tránh tác động đến lạm phát.
Chưa điều chỉnh giá dịch vụ y tế
Theo đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), những tháng đầu năm 2022, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục được giữ ổn định đồng thời những nội dung phải điều chỉnh theo lộ trình vẫn đang được Bộ Y tế nghiên cứu để triển khai theo quy định.
Cụ thể, giá dịch khám bệnh, chữa bệnh và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế đã thực hiện theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/người/tháng.
Hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục khảo sát các nhóm kỹ thuật để đề xuất xây dựng giá bổ sung nếu chưa có và cập nhật lại giá (nếu giá hoặc định mức kinh tế kỹ thuật không còn phù hợp). Theo kế hoạch, Bộ Y tế dự kiến hết năm 2022 mới hoàn thành xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và thực hiện khảo sát xây dựng giá dịch vụ.
Trước đó, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định trong năm 2021 hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cổ định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá).
Song, Bộ Tài chính cho hay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Chính phủ có chủ trương chưa thực hiện điều chỉnh giá để không ảnh hưởng và tác động đến người dân. Mặt khác, Bộ Y tế cũng đề xuất trong năm 2022 chưa thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bước 3 (tính chi phí quản lý) và bước 4 (tính chi phí khấu hao và chi phí khác) vào giá dịch khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Đưa sách giáo khoa vào mục định giá
Về sách giáo khoa, phía Bộ Tài chính cho biết hiện mặt hàng này được quản lý giá theo quy định tại Luật Giáo dục và Luật Giá. Theo đó, giá sách giáo khoa thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá, không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá.
Tuy nhiên trong năm học 2022-2023, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa và có văn bản đề nghị các đơn vị rà soát và triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí (đặc biệt là một số chi phí như chi phí quản lý, chi phí quảng bá sách, lợi nhuận...) nhằm tiếp tục kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, chia sẻ với người tiêu dùng.
Đến nay, các đơn vị đã kê khai điều chỉnh giảm giá sách giáo khoa, mức giảm phổ biến trong khoảng từ 5% -15% tùy từng cuốn sách.
Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Luật Giá sửa đổi, trong đó đã đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa Nhà nước định giá đồng thời giao Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giá sách giáo khoa gắn với các yêu cầu về kỹ thuật, chuyên môn để sách giáo khoa có giá cả hợp lý đồng thời đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong giáo dục đào tạo.
Theo đại diện Bộ Tài chính, trong khi chờ Luật Giá sửa đổi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, đơn vị này sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận, rà soát chặt chẽ văn bản kê khai giá theo quy định pháp luật để bình ổn giá sách giáo khoa.
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho hay ước tính việc tăng giá sách giáo khoa sẽ tác động làm cho chỉ số giái tiêu dùng (CPI) bình quân cả nước năm 2022 tăng khoảng 0,05 điểm phần trăm.
Rà soát kỹ các tác động tăng học phí
Trong tháng 6 vừa qua, một số trường đại học đã tuyên bố tăng học phí năm học 2022-2023 với mức tăng gấp đôi so với năm học trước đó.
Tổng cục Thống kê ước tính theo đề xuất của Bộ giáo dục và Đào tạo đối với khung học phí năm học 2022-2023 giữ ổn định như năm học 2021-2022 và điều chỉnh học phí đối với giáo dục đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên không quá 15%/năm, dự kiến nhóm dịch vụ giáo dục sẽ làm CPI năm 2022 tăng khoảng 0,14-0,16 điểm phần trăm.
Theo Bộ Tài chính, trước biến động tăng của chỉ số giá tiêu dùng tăng theo giá xăng và lo ngại việc tăng giá tác động lên lạm phát, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì và phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá kỹ tác động của việc tăng học phí, nhất là tác động đến chỉ số giá tiêu dùng.
Theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, Chính phủ quy định khung, trần học phí cho từng năm học và các địa phương (Hội đồng nhân dân), đơn vị quyết định mức cụ thể học phí cho từng năm học trong phạm vi khung, trần học phí do Chính phủ quy định.
Theo đó, tại Nghị quyết số 85/NQ-CP vừa ban hành ngày 9/7/2022, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá kỹ tác động của việc tăng học phí, nhất là tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, kịp thời đề xuất phương án phù hợp, khoa học, hiệu quả, sát với thực tiễn./.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy