Dòng sự kiện:
Bộ Thông tin & Truyền thông đề xuất xây dựng Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
19/05/2018 09:15:29
Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề xuất xây dựng Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với nội dung cốt lõi là chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử.

Tại buổi toạ đàm “Xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam” của Bộ Thông tin và Truyền thông vào ngày 18/5, đại diện Viện Chiến lược thông tin và truyền thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cung cấp nhiều số liệu đáng lưu tâm.

Theo đó, Việt Nam hiện có 55 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm khoảng 57% dân số). Trong đó, 50 triệu người dùng mạng xã hội qua di động. Thời lượng sử dụng internet và mạng xã hội trong một ngày của người Việt tương ứng là 7 giờ và 2,5 giờ, trong đó Facebook và YouTube được sử dụng nhiều nhất với tỷ lệ tương ứng là 61% và 59%. 

Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực mạng xã hội mang lại, trên đây cũng xuất hiện tình trạng nói xấu, bôi nhọ, tin giả tràn lan gây tổn hại nghiêm trọng uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, gây tổn hại về kinh tế, thương hiệu...

Tọa đàm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TT&TT tổ chức ngày 18/5. Ảnh : Infonet.

Theo 1 thống kê về các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam cho thấy: Nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%)… 

Đáng nói, dù đã được điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng số vụ việc được xử lý theo quy định pháp luật còn hạn chế so với thực tế vi phạm.

Báo Tiền Phong đưa tin, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, mạng xã hội thành không gian truyền bá thông tin xấu độc, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước, đả kích chế độ, gây chia rẽ, thù hằn dân tộc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, bôi nhọ tổ chức. Việc lộ thông tin bí mật Nhà nước gia tăng nhanh chóng, ảnh hưởng tiêu cực đến quốc phòng an ninh, trật tự xã hội.

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí đưa quan điểm, nhiều nhà báo là những cây viết nổi tiếng trở thành quyền lực trên mạng xã hội. Từ quyền lực đó, họ đưa những thông tin không chuẩn mực, thậm chí là có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. 

Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ khác, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chia sẻ, nhiều anh chị em báo chí cũng là nạn nhân của những thông tin không kiểm chứng trên mạng xã hội. 

Bộ TT-TT cho rằng, bên cạnh việc điều chỉnh bằng hệ thống quy định pháp luật, cần có một thể chế "mềm" dựa trên nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia, tạo đồng thuận của cộng đồng mạng cùng chung tay xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tích cực.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn khẳng định, bộ quy tắc không đi ngược lại cam kết của Nhà nước trong các quyền như tự do báo chí, ngôn luận, kinh doanh mà Việt Nam đã tham gia. Mục tiêu của bộ quy tắc là xây dựng "khế ước" với nhau, tương tác với nhau thế nào để tạo ra môi trường văn hóa khi tương tác trên mạng xã hội, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực...

Ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nên hướng đến mục tiêu duy trì thuần phong mỹ tục.

Được biết, Bộ Quy tắc ứng xử mạng xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo. Sau khi hoàn thiện sẽ mở rộng lấy ý kiến của người dân. Đây sẽ là bộ quy tắc khung cơ bản để các cơ quan, tổ chức, hiệp hội có liên quan xây dựng bộ quy tắc ứng xử riêng.

Tường Vy (T/H)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến