Dòng sự kiện:
3 lý do Việt Nam chưa trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hoá
07/11/2019 11:18:40
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận và nêu 3 lý do Việt Nam chưa đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo chương trình kỳ họp thứ 8, sáng nay 7/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Trả lời câu hỏi chất vấn của Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) về nguyên nhân nước ta chưa đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra 3 lý do. Thứ nhất, ông cho rằng xuất phát điểm của Việt Nam quá thấp so với mặt bằng chung các nước trong khu vực từ 2-3 thế hệ công nghệ trong công nghiệp hóa.

Thứ hai, nước ta chưa xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp cho các ngành sản xuất, nên môi trường thuận lợi cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí… chưa có điều kiện phát triển đặc biệt. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm của xã hội còn hạn chế, điển hình như đào tạo nguồn nhân lực, rất ít sinh viên tham gia nghiên cứu và được đào tạo về công nghệ trong sản xuất.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Ngọc Thắng

Thứ ba, Bộ trưởng nhận định công nghiệp hóa đòi hỏi vốn đầu tư và trình độ công nghệ ở mức cao, do đó gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, nước ta cũng thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp này.

Ông Trần Tuấn Anh cũng nhận trách nhiệm khi là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước trong việc thực hiện chính sách chưa đồng bộ. Bộ sẽ tập trung quyết liệt cho công nghiệp cơ bản và các ngành quan trọng như cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là công nghiệp năng lượng, chế tạo máy móc, đóng tàu, ôtô.

Trước đó, tại buổi chất vấn, trả lời về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, chúng ta đã có sự quan tâm và có nhiều chính sách phát triển, tuy nhiên, có một số vấn đề một số nguyên nhân làm cho công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển và chưa đạt được yêu cầu cũng như kỳ vọng.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân là do trình độ phát triển kinh tế và phụ thuộc vào sự tương tác trong quan hệ với nhau giữa các nền kinh tế khác và lợi thế cạnh tranh nên phần lớn ngành công nghiệp hỗ trợ của chúng ta phụ thuộc nhiều sản phẩm nhập khẩu. Chúng ta chưa có đủ điều kiện để bảo đảm sự cạnh tranh năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách công nghiệp hỗ trợ, kể cả sau khi có nghị quyết của Quốc hội, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách vẫn còn chậm. Dù Nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ được ban hành năm 2018, nhưng việc triển khai các cơ chế ưu đãi về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế, đặc biệt là nguồn hỗ trợ từ ngân sách trong các hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Hiện nay, vẫn còn có những vướng mắc chưa tháo gỡ hết nên sẽ rất khó cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển và tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa nên khả năng tiếp cận với tín dụng để phục vụ cho đầu tư phát triển, kể cả về đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất đều hạn chế. Trong khi đó, triển khai các chính sách hỗ trợ khác về nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ và trình độ quản lý của các doanh nghiệp đều còn những vướng mắc và chưa có cơ chế đủ mạnh trong các chính sách xuất phát từ những vấn đề này.

Bộ trưởng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng cách đây 4 tháng, Bộ Công Thương đang xây dựng nghị quyết về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó định hướng một số nội dung cơ bản.

Trước hết, tiếp tục rà soát lại để xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Thứ hai, về dài hạn sẽ tiếp tục có chính sách mới trong quản lý và thu hút đầu tư để bảo đảm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài liên kết và chuyển giao công nghệ, cũng như tạo ra sự lan toả cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Thứ ba, tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có công nghiệp cơ khí chính xác và công nghiệp chế tạo để bảo dảm cho công nghiệp hỗ trợ của chúng ta có điều kiện phát triển.

Thứ tư, tranh thủ điều kiện của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để định hướng cho các doanh nghiệp tham gia phát triển và chuỗi giá trị, nhất là khai thác những thị trường mới.

Giải pháp cuối cùng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng các cơ chế chính sách mới, nhất là hướng vào xây dựng các trung tâm đổi mới công nghệ và hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của chúng ta tiếp cận. Trong đó, sắp tới sẽ xây dựng 3 trung tâm công nghiệp hỗ trợ giới thiệu về công nghệ tại ba vùng để các doanh nghiệp hỗ trợ.

Ly Na (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến