Dòng sự kiện:
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết
29/05/2019 14:04:08
Chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết.

Sáng nay 29/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Dự thảo Bộ luật được bố cục gồm 17 chương, 221 điều (giảm 21 điều so với hiện hành). Trong đó đã sửa đổi, bổ sung 162 điều, sửa đổi 2 điều của Luật BHXH liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này nhằm thể chế hóa yêu cầu Nghị quyết số 28 của TƯ khóa 12 về cải cách chính sách BHXH. Vì vậy, Chính phủ đã quy định nội dung này trong dự thảo theo 2 phương án trình QH xem xét, cho ý kiến.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2,tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định, quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH, cả hai phương án đều có lộ trình tăng chậm. “Chính phủ đề xuất lựa chọn Phương án 1 vì có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Với phương án 1, đến năm 2028 thì nam đạt 62 tuổi, và đến năm 2035 thì nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ).

Trả lời phóng viên báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Việc tính theo phương án 1 là đã cân đối được công việc hiện tại cho giới trẻ, tính được cho người già. Hiện 46% người sau tuổi nghỉ hưu đang đi làm tiếp. Hơn nữa, lực lượng lao động trẻ của nước ta hiện không còn dồi dào. Bởi quan sát ở nhiều khu vực nông thôn, hiện chỉ còn người già và phụ nữ, không còn số thanh niên trẻ ở nông thôn. Bộ trưởng cho rằng, cần phải nhìn nhận hiện Việt Nam đang không phải là đỉnh cao của dân số vàng, mà đang chuyển từ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số.

Cũng theo Bộ trưởng, người lao động có quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi trong trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

“Chúng tôi phải thiết kế chính sách thậm chí có những người nghỉ hưu ở tuổi 50. Chẳng hạn lao động nặng nhọc mà suy giảm thì thậm chí còn phải nghỉ sớm hơn nữa. Hoặc là họ có thể nghỉ hưu khi đóng đủ bảo hiểm. Vì vậy, không có nghĩa là bắt người lao động cứ đủ tuổi lao động, đủ năm đóng bảo hiểm thì được nghỉ hưu. Hiện Chính phủ đang rà soát toàn bộ những ngành nghề, lĩnh vực, công việc nặng nhọc độc hại để kèm them Bộ Luật này là phải có danh sách ngay. Cụ thể, hôm nay, riêng về lĩnh vực than, hầm lò, chúng tôi đang quy định 24 lĩnh vực nghỉ hưu sớm hơn”, Bộ trưởng Dung nói.

Bộ trưởng cũng cho rằng, những đối tượng, lực lượng lao động có trình độ cao, ngành nghề đặc biệt như tòa án, kiểm sát, Giáo sư, Phó Giáo sư thì chúng ta phải khuyến khích họ làm suốt đời.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng khẳng định, quy định về độ tuổi nghỉ hưu đã quá lâu: “Hiện nay nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi đã được nghỉ hưu theo quy định từ 1961, tức là hơn 60 năm rồi. Thời điểm chúng ta ban hành quy định, bình quân tuổi thọ Việt Nam mới được trên 45, đến nay tuổi thọ bình quân đã là 76,6. Đặc biệt, tuổi sống sau tuổi nghỉ hưu của nữ là 79,5 tuổi. Như thế chúng ta thấy rằng Việt Nam là một trong những nước có tuổi thọ cao ở châu Á – Thái Bình Dương”.

Bộ trưởng bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cũng khẳng định, quy định về độ tuổi nghỉ hưu đã quá lâu: “Hiện nay nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi đã được nghỉ hưu theo quy định từ 1961, tức là hơn 60 năm rồi. Thời điểm chúng ta ban hành quy định, bình quân tuổi thọ Việt Nam mới được trên 45, đến nay tuổi thọ bình quân đã là 76,6. Đặc biệt, tuổi sống sau tuổi nghỉ hưu của nữ là 79,5 tuổi. Như thế chúng ta thấy rằng Việt Nam là một trong những nước có tuổi thọ cao ở châu Á – Thái Bình Dương”.

Ly Na (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến