Sáng 24/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Khu vực bảo quản đề và bài thi đều được lắp camera
Làm việc tại UBND huyện Hoài Đức, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, báo cáo năm nay, toàn thành phố có hơn 75.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Sở đã triển khai họp hai lần và chỉ đạo công việc.
Cụ thể, Hà Nội điều động hơn 7.700 cán bộ làm nhiệm vụ coi thi, gồm hơn 3.000 giảng viên đại học và hơn 4.000 giáo viên phổ thông. Khu vực bảo quản đề và bài thi được lắp camera.
Năm nay, huyện Hoài Đức có 85 phòng thi với 2.037 thí sinh dự thi. Đến sáng 24/6, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ (bên trái) cùng đoàn công tác của bộ và Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng kiểm tra phòng thi tại trường THPT Hoài Đức A, sáng 24/6. Ảnh: NS.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc nhở dù các khâu cho kỳ thi THPT quốc gia cơ bản hoàn tất, vẫn còn thời gian để rà soát. Ông lưu ý một số vấn đề cần được quan tâm, chuẩn bị kỹ.
Thứ nhất, công tác bảo quản đề, bài thi phải chu đáo từng khâu, chỉ cần sơ hở một khâu, toàn bộ quy trình sẽ hỏng. Do đó, cán bộ được phân công sao in, bảo quản đề, bài thi phải nâng cao ý thức trách nhiệm.
"Có camera nhưng nếu người được giao nhiệm vụ không thực hiện nghiêm túc, sai sót rất dễ xảy ra", bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, tất cả cán bộ coi thi phải hiểu rõ quy chế, nắm chức năng, quyền hạn của mình, thực hiện đúng, làm đến nơi đến chốn theo quy định.
Bộ trưởng đặc biệt lưu ý những chi tiết nhỏ dễ xảy ra sai sót trong quá trình coi thi như chữ ký giám thị. Ông yêu cầu các hội đồng thi trao đổi với giám thị, quán triệt từ những việc nhỏ nhất theo quy chế.
"Những năm gần đây, nhiều thiết bị tinh vi nhằm gian lận thi cử xuất hiện và Hà Nội là một trong những địa phương có nguy cơ cao. Do đó, giám thị cần giám sát ngay từ đầu, tránh khi thí sinh mang vào sử dụng mới xử lý thì rất phức tạp. Một số giám thị chưa chú trọng vấn đề này, dẫn đến sơ suất", ông Nhạ lưu ý.
Bộ trưởng cũng nhắc nhở khâu thanh, kiểm tra cần toàn diện, không làm căng thẳng nhưng phải giám sát chặt chẽ công việc theo quy chế. Ông đề nghị các cấp tăng cường giám sát trong các khâu để kỳ thi diễn ra nghiêm túc.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng công tác truyền thông rất quan trọng. Ông yêu cầu cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, nhanh chóng cho báo chí, tạo sự minh bạch để xã hội tin tưởng.
Cuối cùng, bộ trưởng nhắc nhở công tác phục vụ kỳ thi như điện nước, nơi ăn chốn ở cho cán bộ coi thi, tình hình giao thông trong đợt thi.
Trong sáng nay, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT cũng kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại trường THPT Hoài Đức A và THCS An Khánh. Tại đây, bộ trưởng xem xét việc phổ biến quy chế thi với cán bộ làm công tác thi, đích thân đến kiểm tra tủ đựng đề, bài thi và phòng thi, nhắc nhở công tác giám sát.
Cử thanh tra cắm chốt ở Sơn La, Hòa Bình
Ông Nguyễn Hữu Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT - cho biết rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay, bên cạnh sửa đổi quy chế, siết an ninh, bộ còn cử thanh tra về cắm chốt tại các tỉnh xảy ra tiêu cực năm ngoái như Sơn La, Hòa Bình.
Thanh tra sẽ chịu trách nhiệm giám sát từ hội đồng, song song với thanh tra của sở (từ các điểm trưởng xuống). Ngoài ra, bộ đảm bảo không để những cán bộ coi thi vi phạm năm ngoái tham gia vào công tác thi năm nay.
Trước đó, trả lời báo chí về những điểm mới của công tác thanh tra kỳ thi THPT quốc gia 2019, ông Bằng cho biết Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn công tác thanh tra thi chi tiết, cụ thể hơn các năm trước. Đội ngũ thanh tra được tổ chức thanh tra, kiểm tra linh hoạt hơn.
Năm nay, số lượng thanh tra tại các điểm thi cũng được quy định linh hoạt, tùy số lượng phòng thi. Bộ yêu cầu tối thiểu 2 cán bộ thanh tra/điểm thi. Căn cứ số lượng phòng thi, cán bộ thanh tra được tăng thêm.
Ở khâu chấm thi, số lượng thanh tra cũng không quy định cứng như năm 2018 là 2 người, mà tùy từng hội đồng chấm thi để chốt số lượng. Cán bộ thanh tra sẽ đến từ trường đại học và sở GD&ĐT. Thanh tra sở, cán bộ trường đại học tham gia đoàn thanh tra chấm thi trắc nghiệm, tự luận của Bộ GD&ĐT, không thanh tra tại hội đồng thi do trường mình chủ trì chấm.
Cán bộ làm công tác thanh tra ở khu vực nào sẽ chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra sự cố.
Năm nay, hơn 800.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Theo kế hoạch, chiều 24/6, thí sinh sẽ đến trường thi làm thủ tục, nghe phổ biến quy chế, chỉnh sửa sai sót (nếu có). Ngày mai, thí sinh làm bài thi tự luận môn Ngữ văn buổi sáng và Toán (trắc nghiệm) buổi chiều.
Theo Zing.vn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy