Dòng sự kiện:
Bộ trưởng Giáo dục: Sẽ yêu cầu kiểm tra tình trạng dạy thêm online
11/11/2021 11:49:22
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định đây là vấn đề cần lên án và sẽ yêu cầu các Sở kiểm tra, ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm online trong bối cảnh dịch.

Tại phiên chất vấn tại Quốc hội sáng nay 11/11, Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) chia sẻ những khó khăn, thách thức của ngành giáo dục hiện nay. Đề cập vấn đề dạy thêm, học thêm online, ông đặt câu hỏi dù Bộ GD-ĐT đã nghiêm cấm việc dạy thêm nhưng thực tế gần đây xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến. Thậm chí có trường hợp học sinh bị ép học thêm online. Cử tri bức xúc kiến nghị bộ cần thanh tra việc dạy thêm, học thêm trực tuyến. Bộ trưởng GD-ĐT nói gì về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tai phiên trả lời chất vấn Quốc hội sáng 11/11

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, bình thường giáo viên không được dạy thêm, việc dạy thêm học thêm đã cần phải ngăn chặn. Khi học trực tuyến, học sinh căng thẳng hơn nên việc dạy thêm càng cần nghiêm cấm.

Theo ông Sơn, Thông tư số 09 ngày 30/3 do Bộ ban hành quy định dạy và học trực tuyến đã quy định số giờ được dạy cho các cấp, các lớp. Vì vậy, ông đề nghị các Sở GD-ĐT, các địa phương kiểm tra, thanh tra việc học trực tuyến xem có dạy quá giờ không.

"Chúng tôi cũng sẽ tăng cường thanh kiểm tra để ngăn chặn việc này" - ông Sơn khẳng định.

Với câu hỏi của đại biểu Nàng Xô Vi (Kon Tum) về việc Bộ trưởng đã chỉ đạo không dùng văn soạn mẫu trong dạy môn Ngữ văn, “Sắp tới sẽ chỉ đạo như thế nào để thúc đẩy chất lượng hơn?”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định môn Ngữ văn có tầm quan trọng trong việc bồi đắp tình cảm, năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người.

“Định hướng giáo dục của chúng ta là tăng yếu tố dạy người. Tương tự, ở bậc tiểu học, môn Tiếng Việt cũng rất quan trọng vì trước khi tăng cường năng lực ngoại ngữ, các thế hệ học sinh phải giỏi Tiếng Việt. Trong các cuộc họp, chỉ đạo trước, bộ trưởng đã nêu cần phải ngăn chặn, chấm dứt dạy theo văn mẫu, đặc biệt việc giáo viên đọc cho học sinh chép, soạn văn mẫu rồi cho học sinh đọc thuộc. Bởi việc này rất tai hại, ảnh hưởng đến tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thành của học sinh” – ông Sơn cho biết.

Do đó, theo ông Sơn, sắp tới ngành giáo dục sẽ có hàng loạt biện pháp để điều chỉnh mang tính chuyên môn.

“Các công việc kiểm tra đánh giá, dạy học, biên soạn học liệu cũng sẽ được triển khai. Chấm dứt văn mẫu cũng là yếu tố chuyên môn để chấm dứt dạy thêm, học thêm” – ông Sơn khẳng định.

Tác giả: Phương Mai

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến