Dòng sự kiện:
Bộ trưởng GTVT: 10 năm tới sẽ có thêm 4.000-5.000km đường cao tốc
25/01/2020 20:06:36
Ngành giao thông cố gắng cơ bản hình thành hệ thống đường cao tốc Quốc gia 10 năm tới với 4.000-5.000km đường cao tốc để nâng cao khả năng kết nối giữa các vùng miền.

Ngành giao thông cơ bản hình thành hệ thống đường cao tốc Quốc gia 10 năm tới cố gắng hoàn thành 4.000-5.000km đường cao tốc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Khẳng định năm 2020 ngành giao thông sẽ có nhiều bước đột phá, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, các dự án giao thông vận tải sẽ huy động được nhiều nguồn lực đầu tư và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành theo đúng kế hoạch đưa ra.

Nhân dịp Xuân Canh Tý, PV đã có buổi trao đổi với Bộ trưởng Thể xung quanh vấn đề này.

Những “điểm sáng” từ công trình trọng điểm

Bộ trưởng có thể cho biết những kết quả nổi bật của ngành giao thông vận tải trong năm 2019?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Trong năm 2019 ngành giao thông vận tải hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao với một số kết quả nổi bật như thực hiện toàn bộ các kết luật của Chính phủ liên quan đến giao nhiệm vụ của ngành để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

An toàn giao thông là một trong những điểm sáng của năm nay, đạt Nghị quyết của Chính phủ khi cả 3 tiêu chí về giảm số vụ, số người chết, số người bị thương vì tai nạn giao thông năm 2019 trên 5%, là một trong những năm có tỷ lệ giảm đều ở cả 3 lĩnh vực tương đối tốt.

Về xây dựng cơ bản đạt được một số thành tựu như về cơ bản các công trình trọng điểm Quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông... đạt đúng kế hoạch. So với nhu cầu của xã hội, người dân mong muốn nhanh hơn nhưng các cơ quan Nhà nước phải thực hiện theo đúng trình tự của Luật.

Các dự án giao thông khác cố gắng tập trung thực hiện nhưng năm nay giải ngân không được tốt do các nguyên nhân về chậm trễ giải phóng mặt bằng, hoàn thành thủ tục mới giải ngân... Theo kế hoạch, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cố gắng đến 31/1/2020 chắc chắn sẽ giải ngân khoảng 85% trở lên.

Về công tác vận tải vừa qua diễn biến phức tạp khi có nhiều loại hình mới như Uber, Grab vận tải hợp đồng ứng dụng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, Nghị định 86 sửa đổi ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng trong năm 2019 quy định taxi công nghệ, taxi truyền thống, xe hợp đồng sẽ được quản lý chặt chẽ qua công nghệ. Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông có sự tiến bộ lớn là ứng dụng công nghệ thông tin như thiết bị giám sát hành trình, camera... trong quản lý và xử phạt vi phạm.

Hạ tầng giao thông năm 2020 và những năm tiếp có giải pháp nào để thu hút thêm vốn đầu tư, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Bộ Giao thông Vận tải tham mưu Chính phủ và Quốc hội sớm ban hành Luật đối tác công-tư (PPP), đây là luật có bước đột phá trong nhiều lĩnh vực trong đó có giao thông vận tải. Nhà nước sẽ công khai các chính sách minh bạch để thu hút nguồn lực, phát triển hạ tầng giao thông.

Bộ Giao thông Vận tải kỳ vọng giai đoạn tới Luật này có thể huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực trong nước, các doanh nghiệp và người dân thông qua các hình thức huy động vốn như trái phiếu công trình, trái phiếu Chính phủ để hiện đại hóa giao thông.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đặc biệt quan tâm tới hệ thống Quốc lộ với gần 25.000km nhưng có đặc thù nhà cửa dân cư 2 bên rất lớn nên thời gian đi lại lâu trong khi khó đảm bảo an toàn giao thông. Riêng hệ thống đường cao tốc phục vụ tốc độ cao, kết nối trung tâm tỉnh thành, vùng miền, cụm công nghiệp và đảm bảo an toàn giao thông tốt hơn Quốc lộ.

Ngành giao thông cố gắng cơ bản hình thành hệ thống đường cao tốc Quốc gia 10 năm tới với 4.000-5.000km đường cao tốc cùng với 2.000km hiện hữu đang khai thác sẽ cơ bản kết nối các đường trung tâm tỉnh, cảng biển, cửa khẩu, tạo nên sự kết nối liên hoàn thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đảm bảo an ninhg quốc phòng. Bộ tập trung duy tu sửa chữa đường hiện hữu, không triển khai mở rộng các tuyến Quốc lộ mà tập trung hình thành đường song hành - đường cao tốc.

Tự tin với thông điệp “đột phá”

Năm 2020 đối mặt với nhiều khó khăn thách thức hơn, Bộ trưởng có thể chia sẻ những nhiệm vụ trọng tâm của ngành?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Năm 2020 có nhiều thuận lợi hơn với ngành giao thông vận tải.

Thứ nhất, Chính phủ tập trung vào khâu điều chỉnh thể chế, xem là một nhiệm vụ trọng tâm, nếu thực hiện được sáu tháng đầu năm 2020 thì hoạt động của các lĩnh vực, trong đó có ngành giao thông thuận lợi hơn bởi các dự án trình tới, trình lui vì vấp phải nhiều "vòng kim cô" của các Luật, Nghị định khác.

Thứ hai, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung công tác xây dựng cơ bản. Đầu năm 2020, Luật PPP sửa đổi có hiệu lực ban hành, Chính phủ phân cấp cho các Bộ ngành, địa phương. Năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đăng ký hơn 35.000 tỷ đồng cho công tác xây dựng cơ bản. Hàng tháng, Bộ sẽ kiểm điểm tiến độ, được quyền điều chỉnh nguồn lực cho những dự án có danh mục tiến độ tốt và ngược lại dự án vướng mặt bằng, thủ tục, các vấn đề khách quan sẽ tự điều chỉnh giảm vốn.

Như vậy, công tác điều hành xây dựng cơ bản chắc sẽ tạo bước đột phá lớn để làm sao sử dụng hết vốn, thực hiện các công trình nhanh nhất xây dựng cơ bản. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận phải báo cáo lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau đó tổng hợp rồi định kỳ báo cáo Thủ tướng ký điều chỉnh vốn nên thủ tục rất chậm.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Thứ ba, hoạt động vận tải sẽ đi vào nề nếp nhờ hai Nghị định 86 và 46 sửa đổi ban hành trong năm 2020 này sẽ xử lý nghiêm các vi phạm của tài xế, doanh nghiệp, tránh tình trạng nhũng nhiễu của Thanh tra giao thông, công an thông qua xử phạt nguội...

Thứ tư, những dự án trọng điểm quốc gia Bộ tham mưu, báo cáo Thủ tướng đầu năm 2020 lựa chọn nhà đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, thẩm định phê duyệt đầu tư, phối hợp với tỉnh Đồng Nai thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để đủ điều kiện 2021 khởi công. Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, cố gắng hết quý 1/2020 mở thầu lựa chọn nhà đầu tư, tháng 5/2020 có được nhà đầu tư. Với dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, theo Nghị quyết Quốc hội hoặc là sẽ tiếp tục đấu thầu PPP, cho sử dụng vốn ngân sách đầu tư xong bán quyền thu phí cho doanh nghiệp để lấy tiền đầu tư các dự án khác hoặc Quốc hội cho chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình để thực hiện dự án vì không huy động được vốn xã hội. Ngành giao thông sẽ bám sát kế hoạch, tiến độ các dự án này để sớm đưa công trình về đích theo đúng tiến độ phê duyệt đồng thời chú trọng đến chất lượng công trình

Thứ năm, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có đợt tái cơ cấu nội bộ ngành, công tác điều động luân chuyển tương đối nhiều để cán bộ trẻ đảm nhiệm chức vụ, lĩnh vực mới của ngành giao thông vận tải tạo điều kiện để đào tạo nguồn lực cho tương lai.

Thông điệp và chủ đề của năm 2020 với ngành giao thông vận tải là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Bộ Giao thông Vận tải chọn chủ đề “đột phá” vì năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ 5 năm trong đó có các công trình trọng điểm đang tập trung xây dựng và hoàn thành kế hoạch.

Bộ Giao thông Vận tải là đơn vị sử dụng nhiều vốn ngân sách và huy động vốn xã hội hóa đầu tư nên thấy rằng công tác xây dựng thời gian qua chậm vì nhiều nguyên nhân nhưng hiện nay Chính phủ nhận diện được và năm 2020 luật PPP sửa đổi sẽ hoàn thiện thể chế, quy định mới để Luật này tạo nên sự đột phá, đặc biệt là đầu tư vào đường cao tốc để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến