Hoạt động hàng hải đóng góp nhiều vào việc duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các địa phương tạo điều kiện tối đa để hoạt động hàng hải thông suốt, duy trì hiệu quả chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu trong bối cảnh dịch bệnh.
Vaccine cho thuyền viên là vấn đề cấp bách
Tại cuộc họp trực tuyến về tạo thuận lợi cho vận tải biển vàdịch vụ logistics trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 17/9, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết hiện tại, VIMC đang có 78 tàu biển hoạt động trong nước và quốc tế với khoảng khoảng 4.000 thuyền viên. Tuy nhiên, số lượng sỹ quan thủy thủ được tiêm vaccine phòng COVID-19 mới chỉ được 10%.
“Đặc thù của tàu biển là hoạt động dài ngày, liên tục trên biển. Thuyền viên bị nhiễm COVID-19 trong quá trình hàng hải không thể có điều kiện tiếp cận với cơ sở y tế trên bờ. Sự nguy hiểm không chỉ với một người mà với tất cả 20-22 thuyền viên/tàu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi vận chuyển hàng hóa,” ông Tĩnh nói.
Lãnh đạo VIMC cũng tỏ ra lo lắng trước khó khăn trong việc thay thế thuyền viên bởi tàu cập cảng biển Hải Phòng thay thuyền viên nhưng lực lượng thuyền viên dự trữ lại ở nhiều địa phương khác nhau. Để thay thế được, họ buộc phải đáp ứng yêu cầu cách ly 14 ngày nếu vào địa phận Hải Phòng, đồng nghĩa tàu phải nằm chờ 14 ngày ở cảng phát sinh nhiều chi phí. Trong khi đó, thực tế, thuyền viên chỉ đi qua Hải Phòng chứ không lưu trú.
Vì thế, ông Tĩnh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cần có ý kiến đề nghị các tỉnh, thành tạo điều kiện cho các thuyền viên có giấy xét nghiệm PCR và chấp nhận quy tắc phòng COVID-19 là có thể lên tàu luôn. Một khó khăn khác các doanh nghiệp hàng hải đang gặp phải là tỷ lệ cấp giấy đi đường tại các địa phương hiện quá thấp so với nhu cầu nhân lực.
Theo ông Ngô Anh Tuấn, Tổng thư ký Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải (Visaba), hiện nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh lượng giấy đi đường cấp cho cho đại lý viên rất hạn chế, mỗi doanh nghiệp chỉ có 1-2 người được cấp.
Ông Tuấn cũng nhìn nhận việc tiến hành quy định thủ tục về xuất nhập cảnh hay khi tàu gặp sự cố cũng phải cần sự xuất hiện của đại lý để giải quyết. Trong bối cảnh dịch bệnh, các tàu ngoại hạn chế người lên tàu, vai trò của các đại lý hàng hải càng cần kíp hơn.
“Theo thống kê, hiện địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có khoảng 250 đại lý hàng hải, Visaba kiến nghị các cấp chức năng địa phương xem xét, tăng cường cấp giấy đi đường cho đại lý viên đảm bảo điều kiện phòng dịch được ra đường ban đêm giải quyết thủ tục cho tàu thuyền,” ông Tuấn đề xuất.
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cũng thừa nhận hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương chỉ cấp 10% giấy đi đường cho các nhân viên hãng tàu, đại lý,… ảnh hưởng đến quá trình giao nhận, làm tăng nguy cơ tồn hàng tại cảng.
“Các địa phương cần tạo điều kiện cho các đối tượng liên quan đến hoạt động cảng biển, đặc biệt là sớm có hướng dẫn đối với những người đã được tiêm vaccine để việc đóng/rút hàng tại cảng biển được thuận lợi hơn, các doanh nghiệp cảng biển cũng sớm giải được bài toán chi phí phát sinh khi mô hình 3 tại chỗ kéo dài,” ông Giang nói.
Liên quan đến việc tiêm vaccine, lãnh đạo Cục Hàng hải cho biết theo thống kê sơ bộ, tính đến nay đã có hơn 4.200 thuyền viên được tiêm vaccine tại khu vực cảng biển; số lượng cán bộ công nhân viên làm việc tại cảng biển được tiêm là hơn 19.400 người và có gần 2.500 nhân viên hãng tàu, hoa tiêu, đại lý, dịch vụ hàng hải được tiêm vaccine.
Cần cơ chế mở cho hoạt động hàng hải
Đánh giá hoạt động của các cảng biển vẫn duy trì thường xuyên, liên tục, đảm bảo công tác phòng chống dịch theo đúng quy định, tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự lo ngại là chuỗi sản xuất đã bị gián đoạn cục bộ, sản lượng có giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Hồ Kim Lân, Tổng thư ký Hiệp Hội Cảng biển Việt Nam (VPA) cho rằng thực tế đã có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phải tạm dừng, giãn hoặc giảm sản xuất, nhiều nhà máy phải đóng cửa do có ca nhiễm F0 hoặc không đủ điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức “3 tại chỗ”, ảnh hưởng đến sản xuất.
Hiệp hội đề nghị Bộ, ngành liên quan trong đó có ngành Công Thương cần phải có đánh giá kỹ liệu có hay không nguy cơ đứt gãy các chuỗi cung ứng, dẫn đến mất thị trường? từ đó để có những giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các hiệp hội, doanh nghiệp hàng hải dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh nhưng đã duy trì được khai thác, đáp ứng được sự tăng trưởng của hàng hóa xuất nhập khẩu qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
Nhấn mạnh về vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng lao động trong chuỗi logistics, Bộ trưởng Thể đề nghị các địa phương cần ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đội ngũ lao động tại cảng biển, thuyền viên và các đối tượng làm việc tại doanh nghiệp sản xuất liên quan đến dây chuyền xuất nhập khẩu hàng hóa. Đây đều là những đối tượng đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào diện ưu tiên tiêm phòng, là lực lượng quan trọng để duy trì chuỗi lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo đà duy trì và phát triển kinh tế.
“Các địa phương cũng cần xem xét lại vấn đề cấp giấy đi đường. Hoạt động tại cảng biển là đặc thù, để duy trì được phải có đủ lực lượng từ hải quan, cảng vụ, y tế, lái xe, đại lý giao nhận đến công nhân… Tỷ lệ cấp giấy đi đường phải đạt mức 70-80% để đảm bảo đủ nhân lực tham gia khai thác tại khu vực cảng chứ không thể chỉ ở mức 10-20% như hiện nay,” Bộ trưởng Thể nói.
Ông cũng cho biết hiện Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức giao thông, tổ chức hoạt động vận tải trong tình hình mới khi các địa phương nới lỏng giãn cách.
Kế hoạch này sẽ ưu tiên những những người đã được tiêm vaccine hoặc được điều trị dịch bệnh thành công tham gia chuỗi vận tải với lộ trình nới lỏng, mở rộng dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt, giúp cho công nhân, chuyên gia đi lại thuận lợi nhất có thể.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị các tỉnh, thành phố tạo điều kiện hơn nữa cho công tác thay thế thuyền viên, nhất là những người đã được tiêm vaccine.
“Nếu cần thiết, địa phương có thể thành lập tổ công tác xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ lực lượng thuyền viên trước khi xuống tàu. Nếu không có cơ chế mở, tâm lý của thủy thủ sẽ chịu tác động rất lớn nếu phải ở trên tàu dài ngày, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa,” Bộ trưởng nói./.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy