Chiều 6/11, Chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT), đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) cho biết, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội mới đây, ông đã nêu vấn đề "tại sao nhiều tuyến đường cao tốc hoàn thành, đi vào vận hành khai thác chỉ cho phép tối đa 80 km/giờ, như vậy là chưa tối ưu vận tải và thời gian lưu thông".
"Đề nghị Bộ trưởng cho biết, thời gian tới có điều chỉnh tốc độ trên đường cao tốc để giảm áp lực lưu thông, đặc biệt là giảm tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A hay không", ông Minh đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn chiều 6/11. (Ảnh: Quochoi.vn)
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế cao tốc với 4 giới hạn tốc độ, 120 – 100- 80 – 60km/h. Tiêu chuẩn này phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật. Nếu tuyến đường được đầu tư đồng bộ thì tốc độ có thể lên tới 120 km/h như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Móng Cái, Cầu Giẽ - Ninh Bình; hoặc tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ 100 km/h.
"Bộ đã rà soát tiêu chuẩn và thấy rằng các tuyến 80 km/h có thể nâng lên 90 km/h. Dự kiến đầu năm 2024, Bộ sẽ thay đổi tốc độ giới hạn tối đa các tuyến cao tốc từ 80 lên 90 km/h", ông Thắng cho hay.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nêu câu hỏi chất vấn, có tới 2/3 tổng vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được ưu tiên dành cho lĩnh vực GTVT, nhưng các dự án giao thông vận tải ở tất cả các nhóm cũng như các dự án quan trọng quốc gia đều phải điều chỉnh thời gian thực hiện, tổng mức đầu tư. Như vậy cho thấy công tác chuẩn bị chủ trương đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư là không chính xác.
Đại biểu Lê Hoàng Anh Gia Lai (Ảnh: Quochoi.vn).
Trong khi đó, hồ sơ trình đều báo cáo là chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, khoa học, thực tiễn; các dự án thì đều có phương án dự phòng, kể cả dự phòng ngân sách.
Đại biểu đề nghị: "Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết trách nhiệm trong việc trình không chính xác thuộc về ai? Bộ trưởng có cho rằng cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi trình để các dự án không chính xác phải kéo dài thời gian tổ chức thực hiện?"
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Hoàng Anh, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết, trong thời kỳ 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải được giao 64 dự án với tổng kinh phí là 300 nghìn tỷ đồng. Đến nay, 60 dự án đã được phê duyệt và đang triển khai. Về cơ bản các dự án tương đối tốt, không tăng tổng mức đầu tư, nếu có thì rất ít.
Tuy nhiên có 3 dự án ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng tổng mức đầu tư cao là dự án cầu Rạch Miễu 2, dự án đường cao tốc Mĩ An – Cao Lãnh, dự án đường cao tốc An Hữu – Cao Lãnh. Nguyên nhân là thời gian khảo sát thiết kế dự án đúng đợt dịch 2020-2021 dẫn đến khảo sát chưa được triệt để, ngoài ra nguyên nhân đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng khi triển khai chính thức khác với khi khảo sát thực tế.
"Trước tình hình đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng thực hiện nghiêm túc xem xét trách nhiệm, chỉ đạo các cơ quan chức năng, Bộ ngành liên quan thanh tra, kiểm tra xử lý trách nhiệm và xử phạt nhà thầu ban quản lý dự án, chủ đầu tư, các cơ quan thẩm định kiểm điểm và xem xét trách nhiệm, nhất là xử phạt nghiêm khắc các đơn vị tư vấn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Tác giả: Phạm Duy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy