Dòng sự kiện:
Bộ trưởng KHĐT nói gì về đề xuất xây cao tốc tới Hà Giang?
12/11/2021 06:25:27
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc xây dựng đường cao tốc nối tới biên giới giúp mở ra không gian phát triển cho các địa phương đi qua, phục vụ xuất khẩu của cả nước.

Chiều 11/11, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn trước đại biểu Quốc hội. Hoàn thiện hệ thống đường bộ cao tốc với các tỉnh miền núi phía Bắc, quy hoạch và phát triển Đồng bằng sông Cửu Long chống biến đổi khí hậu là các nội dung được đại biểu chất vấn.

Đề xuất xây cao tốc tới Hà Giang, Điện Biên

Trong phiên chất vấn vào chiều 11/11, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho biết tuyến cao tốc kết nối Hà Giang với Tuyên Quang - Phú Thọ đã được Chính phủ quy hoạch vào mạng lưới giao thông đường bộ 2021-2030. Đây là điều kiện quan trọng để Hà Giang cùng các địa phương trong khu vực phát triển.

Từ đó, nữ đại biểu đặt câu hỏi về thời gian đầu tư của tuyến đường này có được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 hay không.

Trước đó, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) nêu lên thực trạng làn sóng người di cư, dịch chuyển về quê trong đại dịch Covid-19. Từ đó, bà cho rằng Chính phủ cần tính tới giải pháp dịch chuyển các khu công nghiệp, các nhà máy gia công lắp ráp sử dụng nhiều lao động thủ công. Từ đó tận dụng nhân công địa phương, giảm áp lực cho các thành phố lớn.

Nữ đại biểu tỉnh Hà Giang đề nghị Chính phủ quan tâm xây dựng đường cao tốc nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang để tạo tính liên kết vùng, mở rộng đối ngoại với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thông qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ủng hộ có đường cao tốc nối tới cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang). Ảnh: Hiếu Công.

Tương tự, đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La) cũng kiến nghị cơ quan chức năng quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đã được Thủ tướng phê duyệt và tiến tới thực hiện cao tốc TP Sơn La - Điện Biên.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết cao tốc nối Hà Giang với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ trong quy hoạch sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2025-2030.

Tuy nhiên, ông Dũng ủng hộ thực hiện tuyến này trong thời gian sớm hơn nếu có điều kiện, đồng thời cho biết sẽ trình Chính phủ xem xét.

Người đứng đầu ngành KHĐT lý giải thêm nếu tuyến cao tốc nối Hà Giang cùng với tuyến Hòa Bình - Mộc Châu được hoàn thành sẽ tạo nên 5 trục hướng tâm từ Hà Nội đi các địa phương có cửa khẩu gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La - Điện Biên.

“Chúng ta đặt vấn đề xây cao tốc không chỉ mở ra không gian phát triển cho các tỉnh này mà còn là vấn đề phục vụ xuất khẩu cho cả nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng KHĐT cũng lưu ý tỉnh Lạng Sơn đoạn cao tốc nối từ Chi Lăng đến cửa khẩu Hữu Nghị. Hiện nay, đây vẫn là tuyến “cao tốc cụt”.

Để làm rõ chất vấn của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã mời thêm Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình thêm về các đề xuất sớm xây dựng cao tốc. Dự kiến sáng 12/11, ông Thể sẽ có khoảng 10 phút giải trình trước Quốc hội.

Cố gắng trong tháng 12 phê duyệt quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long

Dẫn lại Chỉ thị 23 của Thủ tướng về việc yêu cầu phê duyệt quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long trong quý IV, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho biết đến nay đã một năm trôi qua mà quy hoạch này vẫn chưa được phê duyệt, ông đặt câu hỏi chất vấn về nguyên nhân của sự chậm trễ này và thời gian phê duyệt quy hoạch này.

Ông cũng nhắc việc Chính phủ dự kiến bổ sung 2 tỷ USD cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện các chương trình mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Ông Tuấn Anh đặt câu hỏi về tình hình triển khai chương trình và tiến độ giải ngân.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng khi chưa có quy hoạch thì rất khó giải ngân 2 tỷ USD mà Chính phủ đã hứa. "Chưa phê duyệt thì làm sao giải ngân. Nếu không phê duyệt quy hoạch thì trong cả giai đoạn 2021-2025, có thể không nhận được số tiền trên", ông Hòa nói và gửi chất vấn đến Bộ trưởng.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ KHĐT đã chủ trì, phối hợp cùng các tư vấn quốc tế làm bài bản và xong quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ cuối năm 2020 và đang trình Chính phủ và tổ chức thẩm định, xem xét trong thời gian tới.

“Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện thêm một bước nữa để sớm phê duyệt trong thời gian tới”, ông Dũng nói.

Trong lần lấy ý kiến gần đây nhất, Phó thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần ưu tiên hạ tầng giao thông. Ảnh: Phạm Ngôn.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu thêm rằng quy hoạch về đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng nêu là "sẽ" nhưng chưa hẹn ngày cụ thể. Vậy có thể trả lời khoảng thời gian nào có thể phê duyệt?

Bộ trưởng Dũng sau đó cho biết những gì thuộc về Bộ ông sẽ cố gắng làm nhanh nhất. "Cố gắng trong tháng 12 này, Thủ tướng có thể phê duyệt quy hoạch", ông nói.

Về nội dung bổ sung thêm bổ sung 2 tỷ USD, Bộ trưởng cho biết Chính phủ khóa trước đã cam kết ủng hộ cho vùng một khoản tăng thêm để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc này liên quan đến rất nhiều vấn đề như các nhà tài trợ, các bộ ngành. Hiện đã thống nhất với các nhà tài trợ.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần xem xét thể chế tiếp cận nguồn vốn theo dự án hay theo chương trình mục tiêu. Đồng thời cần xem xét quy trình thủ tục thực hiện theo quy định trong nước hay ODA. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đã thống nhất với Bộ Tài chính về sửa đổi Nghị định 56, từ đó báo cáo Chính phủ để phê duyệt để có cơ sở thực hiện các dự án.

Tác giả: Hồng Quang

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến