Dòng sự kiện:
Bộ trưởng LĐTBXH: 'Không chạy song song 2 gói hỗ trợ Covid-19'
02/07/2021 08:08:57
Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng được ban hành để hỗ trợ cho người sử dụng lao động và người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19 và sẽ không chạy song song gói lần 1.

Chiều 1/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021.

Phiên họp dành nhiều thời gian để Bộ trưởng bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Nghị quyết 68/NQ-CP về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

12 nhóm chính sách được hưởng

Theo đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, gói 26.000 tỷ tập trung chủ yếu vào 2 nhóm đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu do tác động của đại dịch Covid-19, mà đối tượng cụ thể tập trung chủ yếu vào những người công nhân, người lao động trực tiếp.

Trong Nghị quyết 68 cũng đề ra 4 nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất là đảm bảo hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng và công khai minh bạch các chính sách. Thứ 2, thiết kế chính sách lần này phải đơn giản nhất, dễ nhất cho người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận chính sách, so với gói tại Nghị quyết 42 thì giảm tới khoảng 2/3 các thủ tục.

Thứ 3, đảm bảo khả thi và các đối tượng được hỗ trợ 1 chính sách, trong 1 đối tượng thì không hỗ trợ 2 lần (trừ các đối tượng được ưu tiên là có thể có từ 2-3 chính sách, đó là người lao động nhưng là phụ nữ mang thai; người là cha, hoặc mẹ đang trực tiếp nuôi dưỡng trẻ em dưới 6 tuổi; trẻ em đang điều trị do nhiễm Covid-19 hoặc đang cách ly). Thứ 4, phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành phân bổ ngân sách theo quy định.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì phiên họp báo (Ảnh: Hữu Thắng).

Chính phủ đề ra 12 nhóm chính sách gồm: Miễn, giảm đóng bảo hiểm tai nạn cho người lao động. Chính sách hiện nay là người sử dụng lao động đóng 0,5% mức lương vào quỹ này. Chính phủ sẽ giảm cho tất cả các người đóng bảo hiểm tai nạn, mà thực chất là giảm cho người sử dụng lao động. Thời gian giảm là 12 tháng, nhưng người lao động vẫn hưởng toàn bộ chính sách trong người lao động.

Theo đó, có khoảng 11 triệu người được thụ hưởng, số tiền khoảng 3.800 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền giảm đóng, người sử dụng lao động có thể dùng để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động.

Chính sách thứ hai, hỗ trợ người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh giảm tiêu chí áp dụng, chỉ cần doanh nghiệp giảm doanh thu 15% là được miễn.

Người lao động chấm dứt lao động được hỗ trợ 3,7 triệu đồng/người

Ngoài ra, chính sách dành cho người lao động ngừng việc do cách ly y tế và thuộc vùng phong tỏa, đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Chính phủ cũng hỗ trợ người lao động chấm dứt lao động, hưởng một lần 3,7 triệu đồng/người. Với trẻ em và phụ nữ mang thai, như công dân bình thường, thì ngoài các chính sách trên, còn hưởng thêm 1 triệu đồng/người.

Chính phủ hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày với toàn bộ người lao động đang điều trị bệnh Covid-19 và bị cách ly y tế (là F1). Tổng số ngày không quá 45 ngày.

Chính phủ hỗ trợ các nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn…, đang có bậc nghề bậc 4 mà phải mất việc từ 15 ngày trở lên do yêu cầu của các cơ quan thẩm quyền để chống dịch. Thời gian áp dụng từ 1/5 đến 31/12, mức hỗ trợ 3,7 triệu đồng/người.

Với hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ hành nghề, mà bị mất việc trên 15 ngày từ 1/5 đến 31/12 hỗ trợ một lần 3,7 triệu đồng. Chính phủ cũng hỗ trợ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh) bị đóng cửa từ 15 ngày trở lên, bị dừng hoạt động cho các cơ quan thẩm quyền quyết định do ảnh hưởng của dịch (trong khoảng 1/5-31/12), được ngân sách hỗ trợ 3 triệu đồng.

Với lao động tự do, Chính phủ cho phép các tỉnh căn cứ năng lực ngân sách của riêng mình, các tỉnh xây dựng tiêu chí, mức tiền hỗ trợ, không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người, hoặc không thấp hơn 50.000 đồng/người/ngày.

“Chính phủ mong muốn Nghị quyết bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn”, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, gói 62.000 tỷ đã hết hiệu lực, không thể chạy song song với gói hỗ trợ lần này (ảnh: Hữu Thắng).

Cùng với đó, Chính phủ sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung về đối tượng, thời gian, mức hỗ trợ bảo đảm thỏa đáng, phù hợp tình hình.

Hồi tháng 4/2020, gói an sinh 62.000 tỷ đồng do bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất được Chính phủ ban hành.

Trả lời báo chí về việc có thực hiện song song 2 gói hỗ trợ cùng một lúc hay không, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, gói hỗ trợ lần 1 là gói 62.000 tỷ đồng, tổng số chính sách hỗ trợ từ khi có đại dịch Covid-19 ước tính khoảng 160.000 tỷ, trong đó riêng Nghị quyết 42 đã có 14,4 triệu người được thụ hưởng, với ngân sách chi ra là 39.000 tỷ.

“Gói này sẽ không chạy song song với gói 26.000 tỷ. Bởi, tất cả những chính sách tại gói 1 là gói ngắn hạn và đã hết hiệu lực vào ngày 31/12/2020. Số tiền còn lại thì đã chuyển sang để sử dụng cho những công việc khác”, ông Dung nhấn mạnh và cho biết, gói hỗ trợ lần này sẽ tinh giảm tối đa các thủ tục điều kiện, làm sao để thông thoáng mức tối đa nhất cho người lao động.

Tác giả: Thu Huyền - Hữu Thắng

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến