Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
"Nếu có thì đây là quyết định không có đầu"
Trả lời chất vấn của đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) về giải quyết vấn đề bổ nhiệm chức danh "hàm" ở các cơ quan trung ương mà dư luận quan tâm từ khóa trước tới nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: “Luật cán bộ công chức không có quy định về hàm. Nếu có ban hành nghị định hay quyết định về hàm thì đây là quyết định không có đầu, có nghĩa là không có luật quy định điều này. Do đó, sau kỳ họp Quốc hội này, Bộ Nội vụ sẽ thông báo tới tất cả các địa phương, bộ, ngành về việc không thực hiện bổ nhiệm chức danh hàm nữa”.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, để thực hiện Kế hoạch 04-KH/TW của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và thực hiện Kế hoạch số 10-KH/TW thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, Ban Tổ chức Trung ương đã được giao nhiệm vụ xây dựng đề án về tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với đội ngũ chuyên gia, tiêu chuẩn trợ lý, thư ký các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có chức danh hàm.
Do đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương xây dựng đề án này trình Bộ Chính trị. Nếu được chấp thuận, từ Đề án này Bộ Nội vụ sẽ chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật kèm theo phục vụ Đề án.
Ưu tiên cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Đinh Thị Kiều Trinh chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Trả lời chất vấn về giải pháp căn cơ nhằm nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số trong các cơ quan Nhà nước các cấp của đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An), Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Chính phủ đã ban hành Quyết định số 402/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới.
Trong Quyết định này có nêu rõ trách nhiệm của Bộ Nội vụ về nghiên cứu, xây dựng và sửa đổi, bổ sung các chính sách đặc thù trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng viên chức và chế độ đào tạo bồi dưỡng đối với người dân tộc thiểu số; đồng thời xác định tỷ lệ tối thiểu cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số làm việc tại các địa phương.
Quyết định nêu rõ việc bố trí cán bộ các cấp đối với các địa phương có từ 5% người dân tộc thiểu số trở lên. Cùng với đó, chế độ chính sách đối với người dân tộc thiểu số đã từng bước được hoàn thiện.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 05/2017 quy định miễn thi ngoại ngữ trong các kỳ thi nâng ngạch công chức đối với người dân tộc thiểu số, đưa nội dung đào tạo tiếng dân tộc thiểu số vào nội dung bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, việc ưu tiên quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số trẻ sẽ được đề bạt, bổ nhiệm vào những chức danh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp thiếu các tiêu chuẩn cũng được ưu tiên.
Đối với trường hợp thi tuyển vào các chức danh của cán bộ lãnh đạo, quản lý..., nếu hai người trúng tuyển cùng một chức danh, qua vòng hai thì cũng ưu tiên cho người dân tộc thiểu số.
Thực hiện nghiêm công vụ
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Trần Thị Hiền chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) về đánh giá hiệu quả của Tổ công tác về kiểm tra công vụ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Để thực hiện nghiêm công vụ của công chức, ngày 2/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 364 về việc thành lập Tổ công tác kiểm tra về công vụ, giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Tổ trưởng.
Từ tháng 7 đến nay, Bộ Nội vụ đã ban hành các quy chế và chương trình hoạt động của Tổ công tác. Nội dung kiểm tra công vụ tập trung vào các vấn đề: Kỷ cương, kỷ luật hành chính, tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, kế hoạch của Nhà nước; về đạo đức công vụ, tổ chức bộ máy về tinh giản biên chế, công tác tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo.
Tổ công tác đã kiểm tra 12 đơn vị gồm 8 địa phương, 4 bộ, ngành, qua đó chỉ ra những phần thực hiện chưa nghiêm các nhiệm vụ mà Thủ tướng và Chính phủ giao, các quy định pháp luật, đặc biệt là công tác quản lý cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, tổ chức biên chế... Hàng tháng, Tổ công tác có báo cáo trình Chính phủ và Thủ tướng, kết hợp chặt chẽ giữa thanh tra của bộ, ngành và thanh tra chính phủ để thực hiện công tác hậu kiểm.
“Chúng tôi làm việc rất kỹ theo báo cáo của các đơn vị và các địa phương. Tổ công tác sẽ kiểm tra lại theo kết quả kiểm tra trước đây; kiến nghị xử lý đối với các trường hợp vi phạm, đồng thời yêu cầu đơn vị khắc phục việc đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng không đúng quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; xem xét xử lý trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Nhằm tìm ra những điểm pháp luật hiện chưa phù hợp trên cơ sở phản ánh của các địa phương, Tổ Công tác giúp Bộ Nội vụ và các ngành tham mưu trong việc sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp trong tình hình hiện nay.
Việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Lê Thị Nguyệt chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Nêu vấn đề tinh gọn bộ máy hiện nay mới theo cơ học, chưa có sự thống nhất giữa các địa phương, ngành, số lượng tinh giản biên chế chủ yếu vẫn là nghỉ hưu, nghỉ chế độ viên chức hợp đồng theo Nghị định 68/NĐ-CP, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, thực tế công chức, viên chức chưa được tinh giản. Bộ Nội vụ chưa có quy định hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ đối với cơ quan mới sau khi sáp nhập nên việc thực hiện nhiệm vụ vẫn theo quy định cũ, đầu mối giảm nhưng thực chất chưa giảm.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm khi triển khai Nghị quyết Trung ương 6. Lý giải nguyên nhân này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận là do việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn.
Bộ trưởng cho biết, theo Nghị quyết 56 của Quốc hội, Nghị quyết 18 và 19 của Hội nghị Trung ương 6, Bộ Nội vụ được giao điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung 4 bộ luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức. Cùng với đó, Bộ Nội vụ được giao sửa đổi 12 nghị định và khoảng 30 thông tư để triển khai việc sắp xếp lại bộ máy.
Trước mắt, Bộ Nội vụ tập trung sửa đổi Nghị định 24/NĐ-CP và Nghị định 37/NĐ-CP về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện; sửa đổi Nghị định 123/NĐ-CP về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ; Nghị định 10/NĐ-CP về cơ cấu tổ chức và chức năng của các đơn vị thuộc Chính phủ. Tất cả những văn bản trên phải phù hợp với Nghị quyết của Đảng.
Theo người đứng đầu ngành Nội vụ, thời gian qua, việc chậm ban hành các nghị định trên là do chờ hướng dẫn của Bộ Chính trị về thí điểm hợp nhất và tổ chức lại một số cơ quan của Nhà nước và cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng có chức năng tương đồng.
Đến nay, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, các nghị định này đã được trình Chính phủ. Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Ban cán sự Đảng Chính phủ xin ý kiến Bộ Chính trị 3 nội dung: Khung các cơ quan chuyên môn các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện; tiêu chuẩn, điều kiện để thành lập các đơn vị hành chính (số lượng người tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa cho từng đơn vị).
Khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ ký và ban hành các nghị định về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ sẽ chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 123/NĐ-CP và Nghị định 10/NĐ-CP.
Tăng cường cải cách thủ tục hành chính
Trả lời chất vấn của đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) về vấn đề cải cách thủ tục hành chính hiện nay, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ và thực hiện một số giải pháp đối với vấn đề này như: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra; phát huy hoạt động đối với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai đồng bộ nội dung cải cách hành chính theo quy định tại Nghị quyết 30c ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, Quyết định 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nghiêm túc kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Bộ Nội vụ đề nghị tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó chủ yếu xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các tổ chức hoạt động của các loại hình hành chính; đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách về thủ tục hành chính, củng cố kiện toàn mô hình "một cửa".
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị thời gian tới cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời đẩy nhanh thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, hoàn thiện hệ thống dữ liệu quốc gia cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo TTXVN
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy