Dòng sự kiện:
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Mới tích hợp được 33 chỉ tiêu kinh tế - xã hội
05/06/2020 19:00:36
Sáng 5/6, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc với đại diện các bộ, ngành, bàn giải pháp thúc đẩy sớm hoàn thành việc kết nối, tích hợp báo cáo chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Sáng 5/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc với đại diện các bộ, ngành, bàn giải pháp thúc đẩy sớm hoàn thành việc kết nối, tích hợp báo cáo chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Quyết định số 293/QĐ-TTg (Ban hành Bộ chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) và thông tin báo cáo hàng ngày phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Mới tích hợp được 33 chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đến nay, có 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông) đã rà soát, chuẩn hóa một bước các chế độ báo cáo định kỳ, hầu hết địa phương cũng rà soát, xác định các chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý (nếu có) để thực hiện chuẩn hóa.

Các thông tư, quyết định quy định chế độ báo cáo của bộ, cơ quan, địa phương đã bãi bỏ nhiều báo cáo không cần thiết, đơn giản hóa nhiều nội dung báo cáo trùng lặp; giảm tần suất báo cáo; mẫu hóa đề cương, biểu số liệu, tạo tiền đề cho việc số hóa, thực hiện báo cáo điện tử.

Trong số 200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội (theo Quyết định 293), có 78 chỉ tiêu các bộ, cơ quan triển khai trên Hệ thống thông tin báo cáo/Hệ thống thông tin chuyên ngành có khả năng tích hợp trực tiếp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, trong đó, 33/78 chỉ tiêu đã hoàn thành tích hợp trực tiếp, một số chỉ tiêu đã có dữ liệu thực và bước đầu được tổng hợp, phân tích đưa ra Bảng hiển thị của Hệ thống và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành.

Văn phòng Chính phủ đang tiếp tục phối hợp cùng các bộ, cơ quan để tích hợp và cung cấp dữ liệu với 45/78 chỉ tiêu còn lại. Còn lại 122/200 chỉ tiêu các bộ, cơ quan chưa triển khai điện tử, phải nhanh chóng hoàn thành để đến thời điểm khai trương (dự kiến trung tuần tháng 8/2020) có ít nhất 150 chỉ tiêu thống kê thực trên hệ thống.

Liên quan đến việc chuẩn hóa hệ thống báo cáo, Bộ trưởng cho biết, đây là vấn đề quan trọng, nếu không chuẩn hóa sẽ không đọc được dữ liệu.

Một số bộ, ngành làm tốt việc ban hành thông tư quy định mẫu chuẩn và chuẩn hóa báo cáo, chỉ tiêu đồng bộ, song cũng còn những bộ, ngành chưa ban hành thông tư hoặc ban hành thông tư nhưng chưa chuẩn hóa được báo cáo.

"Chúng tôi đang tập trung thi công để khai trương Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành trên diện tích khoảng 200 m2. Thủ tướng ngồi ở phòng nhưng đọc được toàn bộ các nội dung liên quan đến báo cáo chuyên đề như hải quan, xuất - nhập khẩu, hoạt động của cửa khẩu đường bộ, đường không...”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói; đồng thời nhấn mạnh đến việc bảo vệ an toàn thông tin là rất quan trọng, Ban Cơ yếu Chính phủ (Bộ Quốc phòng) giúp Văn phòng Chính phủ trong vấn đề này.

Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan, cách tiếp cận mới của Chính phủ để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả là địa phương chỉ xây dựng phần mềm đối với chế độ báo cáo riêng của địa phương, còn tất cả các chế độ báo cáo đã quy định trong thông tư của các bộ triển khai theo phần mềm của bộ.

Nếu không sớm ban hành thông tư chuẩn hóa các chế độ báo cáo thì tiến độ sẽ không kịp và nếu các địa phương tự làm sẽ không đúng với yêu cầu của Chính phủ.

Bảo vệ dữ liệu quốc gia như bảo vệ tài nguyên quý giá

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Bộ có số lượng chỉ tiêu kinh tế - xã hội phải tích hợp nhiều nhất, với 101 chỉ tiêu, trong đó liên quan đến Tổng cục Thống kê là 94 chỉ tiêu.

Giám đốc Trung tâm tin học, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Như Sơn cho biết, do có số lượng biểu mẫu báo cáo nhiều, với tốc độ hiện nay, làm cật lực, chỉ riêng việc đưa 200 mẫu vào hệ thống báo cáo, chưa nói đến triển khai chuẩn hóa trên điện tử, test thử, đã mất tối thiểu 1 tháng. Quá trình chuẩn hóa mẫu rất vất vả. Bộ đang đặt kế hoạch trong vòng 1 tháng nữa sẽ xong các mẫu báo cáo sau đó mới test thử rồi triển khai xuống các sở. Riêng Tổng cục Thống kê còn triển khai xuống chi cục để cập nhật số liệu nên phải có thời gian.

Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thanh Hải cho biết, hệ thống thông tin báo cáo của cơ quan này đã liên thông với hệ thống của Chính phủ, chưa tự động gửi báo cáo thật.

Ngân hàng Nhà nước đang triển khai xây dựng modul để lấy dữ liệu tự động từ trong kho báo cáo của mình chuyển sang theo tiêu chuẩn Chính phủ quy định, việc này không thể xong sớm được vì còn cần thời gian để nghiên cứu, test thử số liệu tính toán.

Về vấn đề này, Bộ trưởng thúc giục: còn 2 tháng 10 ngày, Ngân hàng Nhà nước cần quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng modul. “Số liệu này liên quan đến điều hành của Thủ tướng về tiền tệ, tài chính, rất quan trọng. Tôi sẽ nói thêm với Thống đốc Lê Minh Hưng, tinh thần quyết tâm là 15/8 hoàn thành”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Khẳng định đảm bảo hoàn thành toàn bộ việc chuẩn hóa chế độ báo cáo và tích hợp chỉ tiêu kinh tế - xã hội đúng hạn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho hay, từ cách đây mấy năm, ngành đã triển khai hệ thống dữ liệu tập trung, chuyển chế độ điều hành hệ thống báo cáo từ báo cáo bằng lời sang báo cáo bằng chỉ tiêu, cơ bản các nội dung Văn phòng Chính phủ yêu cầu đều có thể triển khai được.

Đối với chỉ tiêu báo cáo định kỳ theo Quyết định 293, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được giao báo cáo 10 chỉ tiêu, đã cập nhật trên hệ thống 8 chỉ tiêu, còn 2 chỉ tiêu cơ bản cập nhật được nhưng còn phụ thuộc vào các đối tác liên quan như chỉ tiêu về thời gian giao dịch thu, nộp bảo hiểm xã hội và tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội. Các chỉ tiêu khác đều báo cáo được đúng hạn.

Trong quá trình thực hiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam không có vướng mắc gì vì hệ thống đã kết nối và quản trị hệ thống trong ngành đã cập nhật tới từng giây tới người tham gia.

Ghi nhận kết quả tích cực của cơ quan Bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá, đây là một trong những cơ quan đầu tiên hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với gần 90 triệu thẻ bảo hiểm y tế. Vừa qua, trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu xác thực định danh, cơ bản dựa rất nhiều vào cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Về chế độ báo cáo trong nội bộ Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Tống Viết Trung, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86 cho biết, đã thực hiện kết nối thử với hệ thống báo cáo của Văn phòng Chính phủ và đến nay không có vấn đề gì phát sinh.

Để đảm bảo tính không thâm nhập dữ liệu, Bộ Tư lệnh 86 sẽ đề xuất một số mô hình đồng bộ dữ liệu một chiều để các hệ thống dù có sự liên kết về dữ liệu nhưng vẫn mang tính tách biệt về hệ thống để đảm bảo an toàn.

Còn theo Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng có 1 chỉ tiêu phải cập nhật vào hệ thống theo quy định tại Nghị định 60/2018/NĐ-CP (quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia), liên quan đến công tác xuất nhập cảnh qua biên giới. Các cửa khẩu và toàn bộ các tuyến này đã làm thủ tục biên phòng điện tử.

Bộ đội Biên phòng cũng có Trung tâm Chỉ huy tác chiến nghiệp vụ và Trung tâm Kiểm soát xuất nhập cảnh, toàn bộ cơ sở dữ liệu thủ tục biên phòng điện tử của 44 tỉnh, thành có cửa khẩu được tập trung về Trung tâm của Bộ Tư lệnh, cập nhật hàng ngày, hàng giờ, hàng giây,... do vậy, Bộ Tư lệnh sẵn sàng kết nối ngay theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, trong thời gian tập trung phòng, chống đại dịch COVID-19, Văn phòng Chính phủ thường xuyên nhận được thông tin báo cáo đầy đủ của các cửa khẩu đường bộ do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng quản lý …, qua đó nắm chắc tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nhấn mạnh tinh thần là thành lập Trung tâm báo cáo phục vụ điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tiến tới hình thành Trung tâm báo cáo quốc gia, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ, các dữ liệu quốc gia đều nằm trong đó, "vận mệnh quốc gia" cũng nằm trong đó rất nhiều, nên dữ liệu báo cáo phải chuẩn, số liệu thực trong từng thời gian cụ thể và phải bảo vệ bí mật quốc gia này như tài nguyên vô cùng giá trị. Số liệu chính gốc phải chuẩn, dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy, dễ mang nhưng không bị “ăn cắp”, ai có quyền mới được khai thác.

Bộ trưởng đề nghị các bô, ngành rà soát lại các thông tư để có hướng dẫn chi tiết, số liệu báo cáo mang tính định lượng và vào thời điểm khai trương, 100% các bộ, cơ quan có chỉ tiêu kết nối trên hệ thống.

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến