Ngày 24/7, phát biểu tại hội nghị "Doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng vui mừng cho biết, Việt Nam đã bước đầu dập dịch thành công, các hoạt động kinh doanh trong nước đang khôi phục, đất nước đang đứng trước vận hội, thời cơ mới.
Nói về thực trạng liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài (FDI), ông Dũng chia sẻ, tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài cho thấy một trong những hạn chế lớn nhất khi thu hút FDI vào là tính lan toả, liên kết với doanh nghiệp trong nước.
"Có ý kiến chuyên gia nhấn mạnh, không thể để một nền kinh tế có hai nền kinh tế, doanh nghiệp FDI đi một đường, doanh nghiệp Việt Nam một nẻo. Đó là ý kiến đáng suy ngẫm", Bộ trưởng nói.
Theo đó, vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là tăng trưởng ấn tượng về số lượng nhưng không đi đôi với chất lượng. Năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, độ gia nhập thị trường và mạng lưới sản xuất của doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế.
Vị Bộ trưởng cho rằng làm sao để doanh nghiệp có thể lớn lên được, tham gia được các chuỗi gái trị là rất khó, do đó cần có sự nhân thức đúng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến cả từng doanh nghiệp, làm sao kết dính được với nhau.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị Doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững
Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, từng đặt vấn đề "tại sao doanh nghiệp Việt Nam không chịu lớn lên để đạt các tiêu chuẩn, tham gia vào chuỗi cung ứng FDI?", doanh nghiệp trong nước lại đặt lại vấn đề rằng "làm sao khẳng định được sẽ được tham gia vào chuỗi nếu đạt được các tiêu chuẩn? Nếu lỡ đầu tư lớn rồi không tham gia được thì sản phẩm bán cho ai?". Còn khi hỏi các doanh nghiệp FDI tại sao không cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia vào chuỗi giá trị thì doanh nghiệp FDI cho biết, doanh nghiệp không đạt chuẩn làm sao có thể cho gia nhập chuỗi.
"Đây là câu chuyện con gà - quả trứng. Chúng ta đã đánh mất nhiều cơ hội, đáng ra phải tận dụng FDI để lan toả và để doanh nghiệp Việt Nam lớn lên. Doanh nghiệp nỗ lực trước, sau đó là sự định hướng của nhà nước, tiếp tới là sự nhường sân của doanh nghiệp FDI", Bộ trưởng nói.
Nói về nguyên nhân dẫn tới tình trạng doanh nghiệp trong nước không thể kết nối với doanh nghiệp FDI trong thời gian qua, Bộ trưởng KH&ĐT cho rằng, có 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI khi vào Việt Nam thường đã có sẵn hệ sinh thái đi kèm và chuỗi cung ứng sẵn sàng hoặc họ tự phát triển chuỗi khép kín nên cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia rất khó khăn.
Nguyên nhân thứ 2 là do quy mô doanh nghiệp Việt Nam nhỏ bé trình độ công nghệ, quản lý, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, cùng với đó là các doanh nghiệp không có khả năng kết nối lại với nhau để mở rộng vốn, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI.
Ngoài ra, một bộ phận doanh nghiệp trong nước có tâm lý e dè chưa dám chấp nhận rủi ro để có bước đi đột phá.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định cần làm sao để doanh nghiệp trong nước đạt được các tiêu chuẩn gia nhập chuỗi với các doanh nghiệp FDI. Khi đạt chuẩn rồi, các doanh nghiệp sẽ tự tìm tới nhau. Cùng với đó là thu hút FDI có chọn lọc, đặt mục tiêu kết nối được với doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp lớn lên bằng chuyển giao công nghệ lên hàng đầu.
"Trong thời gian gần đây, tiếp xúc với doanh nghiệp lớn, chúng tôi đều đưa ra yêu cầu cương quyết thu hút FDI với yêu cầu chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam, làm sao để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, bằng phương thức nào, kế hoạch ra sao? Chỉ những doanh nghiệp FDI đáp ứng được các yêu cầu trên mới dành được các ưu đãi đặc biệt, đáp ứng cho từng dự án lớn", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Nghị quyết 50 của Bộ chính trị về thu hút FDI trong giai đoạn mới nhằm nâng cao chất lượng thu hút FDI cũng đặc biệt lưu ý tới yêu cầu làm sao kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đặt trọng tâm làm sao để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.
"Nếu doanh nghiệp trong nước không tự vươn lên, doanh nghiệp FDI vào không liên kết, không tạo tính lan toả mà lại một mình hưởng hết lợi thế so sánh, hưởng luôn thị trường xuất khẩu Việt Nam đã nhọc công để lấy được từ các hiệp định FTA thì thu hút FDI sẽ là con dao hai lưỡi", ông Dũng phân tích.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý, doanh nghiệp Việt Nam nên mở rộng tầm nhìn, không phải chỉ lớn lên ở thị trường trong nước, mà để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp có thể vươn ra cả nước ngoài.
"Chúng ta có thể tham gia mua lại 1 phần hoặc toàn bộ các công ty tiềm năng của nước ngoài. Nước ngoài nhìn vào ta thấy cơ hội để mua bán doanh nghiệp Việt, thì sao chúng ta lại không nhìn ra thể giới để mua bán doanh nghiệp nước ngoài có giá trị, có công nghệ nhưng lại đang có giá rất rẻ", ông Dũng nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh, chia nhau miếng bánh sandwich bên ngoài mang lại nhiều giá trị cho nước ta hơn. Có những doanh nghiệp nước ngoài trước đây được mua lại với giá 3-5 triệu mà giờ giá đã lên tới hàng trăm triệu.
"Tham gia cuộc chơi toàn cầu, các doanh nghiệp không chỉ mang lại giá trị cho bản thân và mà còn đóng góp cho đất nước, mang đô la về cho đất nước", Bộ trưởng khẳng định.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy