Dòng sự kiện:
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm trước Quốc hội về vụ bê bối thi cử
31/05/2019 14:01:20
Giải trình trước Quốc hội về việc gian lận thi tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018 gây bức xúc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, phía Bộ GD&ĐT cũng như cá nhân là người đứng đầu ngành xin nhận trách nhiệm, thiếu sót.

Trước việc rất nhiều đại biểu Quốc hội nêu bức xúc liên quan đến gian lận thi cử cũng như bạo lực học đường, báo cáo trước Quốc hội sáng nay (31/5), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD&ĐT và bản thân mình nhận trách nhiệm về những sai sót vừa qua.

Về kỳ thi THPT quốc gia, ông cho biết đây là chủ trương của Chính phủ, khắc phục tình trạng một năm có 3 kỳ thi như trước kia. Tuy nhiên năm 2018, kỳ thi THPT quốc gia đã xảy ra gian lận ở một số địa phương. 

Người đứng đầu ngành GD&ĐT cho rằng kỳ thi năm 2018 có 3 điểm hạn chế chính. Thứ nhất, phần mềm chấm thi còn lỗ hổng, dẫn đến người xấu lợi dụng can thiệp. Thứ hai, công tác quán triệt quy chế thi, hướng dẫn nghiệp vụ chưa làm tốt. Thứ ba, công tác thanh, kiểm tra chưa sâu sắc.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội sáng 31/5

Về phía địa phương, ông Nhạ cho rằng một số nơi chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình dẫn đến việc chủ động thông đồng kết nối với nhau thay đổi kết quả thi.

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Bộ GDĐT đã cử đoàn thanh tra kiểm tra và có văn bản đề nghị Bộ Công an phối hợp làm rõ. Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, làm nghiêm. Việc điều tra có kết quả bước đầu, nhiều cán bộ bị khởi tố, nhiều thí sinh bị các trường trả về. Hiện vẫn đang tiếp tục làm rõ và xử lý đối tượng liên quan.

Từ những hạn chế trên, ông cho biết Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu khắc phục tại kỳ thi năm nay. Khâu chấm thi sắp tới Bộ trực tiếp chỉ đạo, giao các trường ĐH đứng ra phụ trách; phần mềm được nâng cấp mã hoá toàn bộ dữ liệu, đánh phách; có camera giám sát khu vực thi.... Riêng với môn tiểu luận sẽ được chấm 2 vòng. Với những bài tự luận có điểm cao sẽ được chấm lại lần 2.

Bộ trưởng Bộ GDĐT cũng đề nghị cấp uỷ chính quyền địa phương và cử tri, đại biểu tăng cường giám sát để kỳ thi năm 2019 đảm bảo an toàn.
Về vấn đề bạo lực học đường gây bức xúc, Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo làm rõ và xử lý trách nhiệm. Bộ GD&ĐT cũng ban hành các văn bản quy phạm về vấn đề bạo lực học đường, chống bạo lực.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng nhấn mạnh cả nước hiện có gần 1,5 triệu giáo viên, trong đó phần lớn say mê nghề nghiệp. Hiện, chỉ có một bộ phận sa sút đạo đức, Bộ GD&DT sẽ cương quyết xử lý và đưa ra khỏi ngành.

Ngay sau phần phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng Bộ GD&ĐT mới chỉ đi vào giải quyết những trường hợp được nâng điểm mà chưa có hành động đối với những thí sinh đã bị tuột mất cơ hội bởi sự cố gian lận này. Ông đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT và các trường đã loại số thí sinh gian lận phải có giải pháp để công nhận bù lại cho những thí sinh bị mất cơ hội.

“Chúng ta đã có trong tay số lượng bị loại ra thì hoàn toàn có thể tính được những thí sinh có nguyện vọng vào các trường này mà bị đánh trượt. Cần phải có giải pháp này để bảo đảm sự công bằng cho những thí sinh học thật, thi thật trong sự kiện gian lận lần này", ông nhấn mạnh.

Ly Na (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến