Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng, cho biết như trên bên hành lang Quốc hội, chiều 21/10.
Theo ông, trực thăng ở Đà Nẵng, Gia Lâm (Hà Nội) sẵn sàng huy động thực hiện nhiệm vụ cứu hộ nhân dân; một số trực thăng đã vào sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) chờ lệnh.
"Những trường hợp không thể tổ chức cho người và phương tiện bình thường vào được, thì phải huy động trực thăng để tiếp tế lương thực cho nhân dân ở vùng bị cô lập do bão lũ", Bộ trưởng Quốc phòng nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch bên hành lang Quốc hội chiều 21/10. Ảnh: Hoàng Phong
Thứ trưởng Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến thông tin thêm, Quân đội luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện, kể cả phương tiện chiến đấu để cứu giúp người dân bị ngập lụt. "Chúng tôi xác định phòng chống bão lụt, cứu hộ cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình", ông nói.
Trực thăng sẽ nhanh chóng tiếp cận các vị trí cứu hộ, tuy nhiên, ông Chiến giải thích để trực thăng bay được còn phụ thuộc vào thời tiết, tầm nhìn. Mưa gió to, tầm nhìn hạn chế thì trực thăng không đảm bảo an toàn, nhất là khi tầm bay thấp, vướng đồi núi, cây cối.
Chiều cùng ngày, ông Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho hay tỉnh này đã có văn bản đề nghị Quân khu 4 hỗ trợ trực thăng cứu hộ cứu nạn người dân trong vùng lũ.
"Hiện hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ có gần 50.000 nhà dân bị ngập, nhiều thôn xã bị cô lập, việc tiếp tế bằng thuyền hoặc đường bộ đều không thể thực hiện do nước chảy xiết", ông Thuật nói.
Trực thăng tham gia cứu hộ thuyền viên mắc cạn ở Quảng Trị hôm 11/10. Ảnh: Giang Huy
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giữa tháng 9 đến nay, 8 tỉnh, thành từ Nghệ An đến Quảng Ngãi đã liên tiếp chịu ảnh hưởng của 8 loại hình thiên tai, gồm: Bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng do bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
3 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới, kết hợp với các hình thế thời tiết cực đoan khác, đã gây 2 đợt mưa lớn kéo dài. Lũ lớn xuất hiện trên 14 tuyến sông chính, trong đó có 4 tuyến sông lũ đã vượt mức lịch sử. Tính đến 21/10, mưa lũ khiến 111 người chết, 22 người mất tích; hơn 200.000 người ở ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đang phải sơ tán.
Đề cập đến việc nhiều cán bộ, chiến sĩ hi sinh khi đi cứu hộ, cứu nạn vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nói đó là tổn thất đối với Quân đội. Thiên tai vượt quá khả năng con người có thể dự báo, dự đoán. Như trường hợp 21 cán bộ đi cứu hộ thủy điện Rào Trăng 3, dù nghỉ chân ở trạm kiểm lâm cách núi hàng trăm mét nhưng vẫn bị núi sạt vùi lấp 13 người.
Bộ trưởng Quốc phòng đã chỉ thị cho các đơn vị căn cứ tình hình, sơ tán cho bộ đội để đảm bảo an toàn tại những vùng nguy hiểm. Dù vậy, những người lính dù trong thời bình vẫn luôn có mặt ở nơi khó khăn nhất, chấp nhận vất vả, hi sinh để cứu tính mạng, tài sản của nhân dân.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy