Dòng sự kiện:
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thận trọng khi cấp phép thuỷ điện nhỏ
25/10/2020 06:10:48
Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng: Vấn đề môi trường hiện nay đang ô nhiễm nghiêm trọng.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời bên hành lang Quốc hội ngày 24/10/2020.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đợt lũ vừa qua ở miền Trung đều vượt lũ lịch sử, vượt chỉ số cảnh báo lịch sử. Đây là hình thái mang tính chất cực đoan, nhiều tổ hợp thiên tai cùng lúc.

Trao đổi về việc các nhà máy thủy điện có vai trò gì trong việc cắt lũ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc xây dựng các nhà máy thuỷ điện phụ thuộc vào thiết kế mới đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong quản lý vận hành. Với thuỷ điện lớn, bài toán cắt lũ được giải quyết tốt, giúp điều tiết nước để cung cấp nước cho hạ du. Còn thuỷ điện nhỏ không có chức năng này, nhưng khi đi vào vận hành phải tuân thủ quy chế đảm bảo an toàn. Phát triển thuỷ điện bao giờ cũng có hai mặt.

Quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là không nên khuyến khích phát triển thuỷ điện nhỏ bằng mọi giá. Theo Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Quốc hội khoá XIII đã yêu cầu rà soát, đưa ra trên 400 thuỷ điện nhỏ ra khỏi quy hoạch. Vì vậy, trong thời gian tới cần hết sức thận trọng trong cấp phép thuỷ điện nhỏ. Có nguyên tắc để xác định mục tiêu trong vận hành thuỷ điện. Đó là phát điện và giải quyết điều tiết nước trong mùa khô hạn. Các thuỷ điện phải tính đến tính an toàn, từng hồ phải đánh giá tác động tích luỹ và vận hành an toàn của các hồ.

“Như tôi đã nói, chúng ta đã rà soát và loại hơn 400 thuỷ điện nhỏ. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, không nên phát triển thuỷ điện nhỏ. Còn khi phát triển các loại thuỷ điện thì cần chú ý phương án công nghệ để hài hòa môi trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Về vấn đề ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng trong quản lý môi trường dựa trên tiêu chí là chất thải ra môi trường và dự án đó tác động thế nào đến hệ sinh thái và môi trường tự nhiên. Nếu dự án có chất thải quy mô lớn thì khoanh lại quản lý cụ thể, thực chất hơn. Còn dự án không lớn, phạm vi ảnh hưởng không lớn thì hậu kiểm thay vì kiểm soát tất cả. Nhân lực và vật lực hết sức hạn chế nên cần quản lý đối tượng tiềm năng ô nhiễm cao, công cụ quản lý thực chất. Đồng thời sẽ tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính không thực chất với dự án thân thiện môi trường, đơn giản thủ tục và ít chi phí tuân thủ nhất.

Tác giả: V.Tôn

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến