Dòng sự kiện:
Bộ TT&TT: Năm 2025, 50% doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số
02/05/2019 15:05:24
Đại diện Bộ TT&TT cho biết, Chính phủ đang có đề án về chuyển đổi số quốc gia và giao Bộ này chắp bút. Còn Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh với cách mạng công nghiệp 4.0 việc chậm hay nhanh không phải là vấn đề lớn.

Sáng nay (2/5), tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo chuyên đề "Hoàn thiện thể chế và các điều kiện nền tảng để phát triển kinh tế số tại Việt Nam" diễn ra sáng 2/5, nằm trong chuỗi các hội thảo của Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì.

Năm 2025, 50% doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Chính phủ đang có đề án về chuyển đổi số quốc gia và giao Bộ này chắp bút. Theo dự thảo lần một, phạm vi chuyển đổi số gồm 3 lĩnh vực chính là với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và xã hội với 3 giai đoạn từ khi có hiệu lực đến năm 2022, 2022-2025 và 2025 - tầm nhìn 2030.

Theo ông Hưng, dự thảo đề ra mục tiêu đến năm 2025, 50% doanh nghiệp phải kinh doanh trên nền tảng số. Công nghiệp số phải đạt được khoảng 20% GDP công nghiệp số. 

Đối với cơ quan nhà nước, 80% dịch vụ công ở mức 4 (mức cao nhất) và đa số giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan quản lý là trên môi trường số hoá.

Còn phạm vi toàn xã hội, dự thảo đề xuất mục tiêu tìm cách phổ cập năng lực số cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân truy cập hạ tầng số với chi phí phù hợp. Giá cước truy cập băng rộng chỉ khoảng dưới 2% thu nhập của người dân.

Chậm hay nhanh không phải vấn đề lớn

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, xuất phát chậm hay nhanh không phải vấn đề, bởi cuộc đua này không giống cuộc chạy marathon dùng sức con người. "Với cách mạng công nghiệp 4.0 thì sự sáng tạo trên nền tảng Internet, việc chậm hay nhanh không phải là vấn đề lớn", ông nói.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, Phó viện trưởng CIEM nhấn mạnh, môi trường thể chế tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh có cơ hội sáng tạo là quan trọng nhất. Theo ông, hiện nhiều mô hình kinh doanh đã không còn khái niệm về biên giới, lãnh thổ và luật pháp, theo đó cũng sẽ phải thay đổi tương ứng.

Ông Hiếu lấy ví dụ, tương lai Việt Nam thừa nhận taxi tự lái hoạt động trên đường, nếu xe này gây tai nạn thì trách nhiệm thuộc về ai? Thuộc về xe tự lái, phần mềm...? Và khi đó chắc chắn luật pháp sẽ phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu phát triển, và bản thân ông cũng "chưa thể hình dung hết".

Là cơ quan tham mưu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Hiếu nhấn mạnh, tới đây sửa đổi Luật Doanh nghiệp thì một số điều kiện như gia nhập thị trường sẽ đơn giản hoá. Theo đó, gia nhập thị trường của doanh nghiệp sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, doanh nghiệp chỉ cần qua một cổng duy nhất để hoàn thiện các thủ tục. Cùng đó sẽ nâng cao quản trị số trong quản trị doanh nghiệp...

Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Viettel cho biết hiện viễn thông gồm hạ tầng vật lý và phi vật lý. Hạ tầng vật lý thì gồm phần kết nổi, truyền tải, các mạng cáp quang cũng như 3G, 4G, 5G đóng vai trò then chốt. Mạng cáp quang không chỉ có các đường trục mà hiện cáp quang gia đình cũng chiếm 70-80%. Ngoài ra còn hạ tầng dữ liệu và hạ tầng thanh toán.

Ông cho rằng, thời gian tới, việc đầu tư hạ tầng vật lý chắc chắn sẽ lớn, đòi hỏi sự tham gia của cả xã hội. Trước đây phần hạ tầng này chủ yếu do doanh nghiệp viễn thông triển khai nhưng hiện nay các dự án chung cư, khu công nghiệp các chủ đầu tư đều tham gia thực hiện. Điều này là hợp lý, song ông Dũng cho rằng cần thiết phải có những quy chuẩn để đảm bảo hạ tầng có sự đồng bộ và giao diện tốt.

Với mục tiêu phát triển hạ tầng phi vật lý, ông Dũng cho rằng nếu quá chú trọng pháp lý thì tiến độ sẽ bị chậm. Do đó, theo ông, nên chăng xây dựng pháp lý theo nguyên tắc cơ bản để tạo nên nhiều tự do, sáng tạo rồi bổ sung.

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng trong chuyển đổi số là xây dựng hạ tầng văn hoá. Bởi ông cho rằng, theo nhiều chuyên gia, văn hoá chấp nhận cái mới, chấp nhận rủi ro, thất bại là điều kiện quan trọng để đưa ra, phát triển những ý tưởng mới.

Nhà nước cũng nên mạnh dạn để xã hội hoá dịch vụ công, hạ tầng số được cung cấp tới mọi người với chi phí rẻ. Ví dụ doanh nghiệp hiện phải đóng gần một triệu đồng với dịch vụ chữ ký số, song với người dân thì tôi cho rằng nên miễn phí, chi phí không đáng bao nhiêu cả để phổ cập.

PV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến