Dòng sự kiện:
Bộ Văn hóa nói gì trước đề xuất bỏ đốt vàng mã?
24/02/2018 17:31:24
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Trước đề xuất này, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã đưa ra quan điểm quyết liệt…

Vừa rồi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết sẽ triển khai nội dung đề nghị bỏ tục đốt vàng mã sâu rộng hơn trong mùa an cư tới. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, về công văn của Giáo hội Phật giáo chỉ có tác dụng giáo dục Phật tử, chứ đặt vấn đề ngăn chặn thì chỉ có Nhà nước mới đủ năng lực?!

Trước vấn đề này, thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho biết, đốt vàng mã là một trong những phần nghi thức truyền thống, hoạt động tôn giáo tín ngưỡng truyền thống của người Việt, thể hiện sự giao tiếp của con người đối với thế giới siêu nhiên. Từ các lễ hội truyền thống cho đến nghi lễ cá nhân, gia đình, đều có hình thức giao tiếp này và đều được thực hiện với một thái độ trang trọng, thành kính và hiểu biết về lễ thức tiến hành. Vấn đề người dân cần hiểu biết về nghi lễ này, tránh bùng nổ thái quá và được gắn cho những ý nghĩa mới, sai lệch với ý nghĩa ban đầu.

“Do vậy, hạn chế và loại bỏ việc đốt vàng mã là rất cần thiết, tránh lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn tại các cơ sở thờ tự. Đồng thời, cần có thời gian, sự chung sức của các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là từ các phương tiện truyền thông để người dân thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của mình”, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch nói.

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo...

Để thực hiện nếp sống văn minh lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch sẽ triển khai đồng bộ một số giải pháp sau: Một là, hoàn thiện các thể chế luật pháp - chính sách, nâng cao hiệu quả thực thi các văn bản với sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các địa phương.

Hai là, tuyên truyền rộng rãi, với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc tổ chức, quản lý và trực tiếp tham gia lễ hội.

Ba là, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra; kết nối thông tin thường xuyên, liên tục với các địa phương, đặc biệt là chính quyền tại các địa điểm có diễn ra lễ hội; theo sát những diễn biến trong thực tiễn để có những giải pháp chấn chỉnh kịp thời.

Bốn là, đào tạo và nâng cao trình độ của những người làm công tác quản lý văn hóa các cấp. Ngành Văn hóa sẽ mở các lớp đào tạo, nâng cao nghiệp vụ về quản lý văn hóa ở cơ sở; trong đó nhấn mạnh việc tổ chức và quản lý một hiện tượng văn hóa có nhiều mục đích, huy động nguồn lực trong dân, phối hợp với các cấp, các ngành vì mục tiêu chung là phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội một cách đồng bộ.

Trước câu hỏi của phóng viên Dân trí, từ trước chúng ta vẫn chỉ tuyên truyền, giờ có ra văn bản xử phạt đối với trường hợp vi phạm? Lãnh đạo Bộ cho biết: “Những năm gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã ban hành các công văn gửi các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền vận động việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự tín ngưỡng trong đó có việc hạn chế đốt vàng mã, đồ mã. Đối với các vi phạm cũng đã có quy định xử phạt theo Nghị định của Chính phủ như: tại Điểm c, khoản 1, Điều 18, Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/7/2010 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá đã quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi “đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác”.

Thông tư 4/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/1/2011 của Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch “Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” nêu rõ: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang” (điểm e, khoản 1, Điều 10) và khuyến khích “Không rắc vàng mã trên đường đưa tang” (điểm đ, khoản 3, Điều 10); Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch ban hành ngày 22/12/2015 về Qui định về tổ chức lễ hội…”

Cũng theo nguồn thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, với các trường hợp người dân cố tình đốt đồ mã, vàng mã bừa bãi, gây ô nhiễm, mất cảnh quan, tùy theo mức độ vi phạm sẽ được xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động lễ hội.

Công văn số 31 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, phó chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký.

Công văn đề nghị Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trị các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường) nhất là các tự viện là di tích lịch sử - văn hoá tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, văn hoá Phật giáo.

"Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam", công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ.

Công văn cũng nhấn mạnh, trong các bài giảng tại các tự viện cần chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội, lan toả giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn.  

Theo Dân trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến