Sáng 28/8, tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới báo cáo tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật Căn cước.
Liên quan đến thông tin trên thẻ căn cước, một số ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá thêm về việc thay đổi thông tin thể hiện trên thẻ căn cước; chỉ nên thể hiện những thông tin mang tính chất ổn định, giúp nhận diện lai lịch của một con người; cân nhắc một số thông tin như “nơi cư trú”, “nơi thường trú”, “nơi sinh”, “nơi đăng ký khai sinh”, “giới tính”, “ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng” bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành; cân nhắc thông tin về cơ quan cấp thẻ căn cước, hình dạng, kích thước, màu sắc, ngôn ngữ… của thẻ căn cước bảo đảm phù hợp; đề nghị không nên sử dụng QR code, chỉ nên dùng chip điện tử trên thẻ căn cước.
Ảnh minh hoạ.
Thường trực UBQPAN cho biết, việc thay đổi thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể trong quá trình xây dựng Luật, tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan.
Dự thảo luật bỏ vân tay trên bề mặt thẻ (được lưu trữ trong bộ phận lưu trữ) để bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ; bỏ thông tin “quê quán”, sửa đổi “số thẻ căn cước công dân” thành “số định danh cá nhân”, “căn cước công dân” thành “thẻ căn cước”, “nơi thường trú” thành “nơi cư trú”, bổ sung “nơi đăng ký khai sinh”... để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân.
Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước; việc tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Về người được cấp thẻ căn cước (Điều 20 dự thảo luật), một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi vì chưa ổn định nhân dạng và sinh trắc học; việc tham gia các hoạt động giao dịch dân sự đều cần có cha, mẹ hoặc người giám hộ; sẽ phát sinh chi phí và thủ tục hành chính không cần thiết vì không thay thế giấy khai sinh.
Thường trực UBQPAN lý giải, theo báo cáo của Chính phủ, công nghệ hiện nay có thể thu nhận vân tay của người từ đủ 5 tuổi trở lên, bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học.
Tuy thẻ căn cước không thay thế giấy khai sinh nhưng có thể tích hợp thêm nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người dân, tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước và người dân trong việc cấp và sử dụng các loại giấy tờ này; đem lại nhiều thuận lợi, tiện ích cho người dân trong việc đi lại cũng như học tập, khám chữa bệnh và các giao dịch dân sự khác.
Có ý kiến đề nghị quy định yêu cầu, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi; trách nhiệm của cha, mẹ, người giám hộ trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Thường trực UBQPAN đã rà soát, chỉnh lý, bổ sung quy định tại Điều 5 và Điều 23 dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý để quy định cụ thể hơn về yêu cầu, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và trách nhiệm của cha, mẹ hoặc người giám hộ trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước của người dưới 14 tuổi.
Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước (Điều 23 dự thảo luật), một số ý kiến đề nghị chọn lọc các loại thông tin cần thiết để tích hợp vào thẻ căn cước bảo đảm thực hiện được ngay, không giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết; quy định cấp quyền khai thác thông tin phù hợp với lĩnh vực, yêu cầu quản lý, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc khai thác, sử dụng, bảo mật thông tin được khai thác; bổ sung quy định về hình thức, lộ trình tích hợp thông tin; trình tự, thủ tục thu thập, tích hợp thông tin.
Thường trực UBQPAN cho biết, dự thảo luật chỉ quy định tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên; đồng thời, giao Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tích hợp các giấy tờ khác để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với việc xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu, thực hiện chuyển đổi số ở nước ta. Vì vậy, quy định như dự thảo luật về việc tích hợp một số loại thông tin vào thẻ căn cước là phù hợp.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực UBQPAN đã rà soát, nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung các quy định tại điều này và các điều khoản có liên quan trong dự thảo luật để bảo đảm thông tin tích hợp vào thẻ căn cước được chính xác, kịp thời, an toàn và hiệu quả trong khai thác và sử dụng.
Tác giả: Luân Dũng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy