Dòng sự kiện:
Bộ Xây dựng lý giải nguyên nhân khiến giá nhà tăng đột biến
08/10/2024 06:42:25
Chiều 7/10, tại Họp báo Chính phủ Thường kỳ tháng 9/2024, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng nêu nguyên nhân và giải pháp để hạ nhiệt thị trường BĐS.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng chỉ rõ 3 nguyên nhân khiến BĐS tăng giá đột biến. Thứ nhất là “lệch pha cung - cầu”, cầu quán lớn so với cung. Thứ hai là đẩy giá, thổi giá, trong đó, vừa qua tại Hà Nội và một số địa phương thực hiện đấu giá đất, đẩy giá lên cao, nhưng sau đó bỏ cọc. Thứ 3 là chi phí đầu tư đầu vào của các dự án BĐS tăng cao, gồm chi phí đầu tư xây dựng tăng cao, tiền sử dụng đất.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, để kiểm soát 3 nguyên nhân này và nhằm đảo bảo đáp ứng nhu cầu và khả năng mua của người dân, các Luật như (Luật cạnh tranh, Luật Kinh doanh BĐS, Bộ Luật hình sự…) đã có quy định rõ về chống thổi giá BĐS. Đặc biệt, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 có nhiều điều khoản cấm hành vi thao túng thị trường, đẩy giá BĐS.  

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng

“Vừa qua, cũng để kịp thời chấn chỉnh tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện số 82, với yêu cầu cụ thể với Bộ TNMT, Bộ Xây dựng và với các tỉnh, thành liên quan. Theo đó, thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã ban hành 2 văn bản từ đầu năm 2024, về phân tích cơ cấu giá thành, giá bán, nguyên nhân tăng giá BĐS, đồng thời đề xuất một số giải pháp để giảm giá nhà ở, giá đất ở, ổn định thị trường BĐS gửi Văn phòng Chính phủ tóm tắt kết quả đánh giá tới Thủ tướng; về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá BĐS gửi các tỉnh, thành phố”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói,

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, trong 2 văn bản này, Bộ Xây dựng đã có 6 kiến nghị gửi các địa phương gồm: Thứ nhất, thực hiện nghiêm Công điện số 82 của Thủ tướng; Thứ 2, đề nghị các tỉnh, thành thực tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực thi các quy định pháp luật liên quan đến các dự án, chủ đầu tư, đơn vị môi giới có hiện tượng thổi giá trục lợi để có biện pháp ngăn ngừa và xử lý vi phạm nếu có; 

Thứ 3, đề nghị các tỉnh, thành tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, giải phóng mặt bằng, xác định quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường để giảm lệch pha cung cầu, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM; Thứ 4, các tỉnh, thành thường xuyên tổ chức công bố, công khai thị trường BĐS, các chương trình phát triển đô thị, nhà ở, các dự án BĐS đã được phê duyệt, các dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu huy động vốn theo quy định của pháp luật… nhằm đảm bảo minh bạch, công khai thị trường, ngăn chặn hiện tượng gian lận, lừa đảo BĐS;

Thứ 5, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ TNMT và các bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét mô hình Trung tâm giao dịch BĐS và giao dịch quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý, nhằm hạn chế rủi ro về giá; Thứ 6, kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu, tham vấn cấp có thẩm quyền chính sách về thuế phù hợp, nhằm hạn chế tình trạng nhà đất đã được mua bán nhưng bị bỏ qua gây lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời tạo ra “cầu ảo” trên thị trường.

“Trung tâm giao dịch BĐS và giao dịch quyền sử dụng đất được Trung Quốc thực hiện rất tốt, với sàn giao dịch công về BĐS, với hoạt động giao dịch tường minh và không có hiện tượng huy động trái luật. Nhà nước luôn nắm bắt được thông tin thị trường BĐS và kiểm soát giá tốt hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng thông tin.

Tác giả: Trần Ngọc - Lê Hoàng 
Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến