Những tòa nhà, chung cư cao tầng mọc lên san sát giữa đô thị Hà Nội đang ngày chật hẹp. (Ảnh: HV/Vietnam+)
Trước thực trạng các đô thị Việt Nam, nhất là khu vực nội thành các đô thị thị lớn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối diện với tình trạng ùn tắc, ô nhiễm môi trường do hệ thống giao thông hiện nay còn thiếu đồng bộ, cử tri Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ cần có quy hoạch tổng thể về giao thông đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt là chỉ đạo các địa phương phải quản lý chặt chẽ việc cấp phép xây dựng chung cư cao tầng trong nội đô và nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị, đảm bảo không gian quy hoạch cây xanh, thiết chế văn hóa và dịch vụ công cộng.
Hệ thống giao thông đô thị thiếu đồng bộ
Trả lời kiến nghị cử tri về nội dung nêu trên, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng theo các quy định hiện hành, giao thông đô thị là một trong các đối tượng của quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị; là nội dung trong đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Đối với thành phố trực thuộc Trung ương, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật được lập riêng thành đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, trong đó có quy hoạch hạ tầng giao thông. Hiện nay, 100% đô thị trên toàn quốc đã lập, phê duyệt quy hoạch chung đô thị. Riêng thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải.
Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đô thị theo quy hoạch được duyệt còn hạn chế, chưa đáp ứng được lưu lượng phương tiện, thiếu đồng bộ, dẫn tới tình trạng ùn tắc, thiếu hạ tầng giao thông như cử tri phản ánh.
Tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, việc lập dự án đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội chưa theo kịp tốc độ phát triển và nhu cầu đầu tư các dự án phát triển đô thị, nhà ở.
Trong khi đó, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên đất xây dựng đô thị năm 2019 chỉ đạt khoảng 10%; tỷ lệ đất bến bãi đỗ xe trên đất xây dựng đô thị đạt dưới 1%.
Theo Bộ Xây dựng, tỷ lệ trên là khá thấp, bởi theo quy hoạch giao thông phải đạt 20-26% đối với đô thị trung tâm, 18-23% đối với các đô thị vệ tinh, 16-20% cho các thị trấn, trong đó diện tích đất dành cho bến, bãi đỗ xe cần đạt 3-4%.
Không cấp phép xây dựng trái với quy hoạch
Đại diện Bộ Xây dựng cũng lưu ý thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định về lĩnh vực xây dựng, trong đó giao Ủy ban Nhân dân các cấp địa phương triển khai lập đồng bộ các loại quy hoạch đô thị, khẩn trương lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy định.
Tắc đường đã trở nên quá phổ biến ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Cùng với đó, các địa phương rà soát, đánh giá và đề ra các giải pháp khắc phục đối với các quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh không đúng quy định; phê duyệt các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc tại các đô thị; lập kế hoạch đầu tư và đầu tư đồng bộ giữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với phát triển nhà ở, công trình thương mại dịch vụ và công trình hạ tầng xã hội theo quy hoạch được duyệt.
Đặc biệt là không cấp phép xây dựng công trình cao tầng tại trung tâm các đô thị trái với quy hoạch được phê duyệt, gây quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực dự án,...
Ngoài ra, quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng, các chỉ tiêu, tỷ lệ đất phát triển quỹ đất công cộng (trong đó có chức năng công viên, đất thể dục thể thao, vui chơi giải trí, thiết chế văn hóa...) cũng đã được xác định trong các đồ án quy hoạch phải tuân thủ quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp nhằm đảm bảo diện tích đất dành cho các công trình công cộng phục vụ cộng đồng. Trong đó, các bộ, ngành, xây dựng chính sách hỗ trợ các nguồn vốn để lập quy hoạch điều chỉnh, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình công cộng phục vụ cộng đồng đã được xác định theo quy hoạch được duyệt; tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên để vận hành hoạt động hiệu quả.
Đối với Ủy ban Nhân dân các cấp tập trung rà soát, ưu tiên quỹ đất phục vụ đầu tư xây dựng công trình công cộng phục vụ cộng đồng, đặc biệt từ các dự án bị thu hồi do chậm triển khai, các khu đất sử dụng sai mục đích, hết thời hạn thuê đất, vi phạm Luật Đất đai, các quỹ đất dự kiến đưa ra đấu giá đất; quản lý chặt chẽ quỹ đất đã được quy hoạch để xây dựng công trình công cộng phục vụ cộng đồng.
Khi phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở, yêu cầu chủ đầu tư dự án xây dựng các công trình công cộng phục vụ cộng đồng theo quy hoạch và cam kết thực hiện triển khai xây dựng theo đúng tiến độ đã được phê duyệt; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư không triển khai xây dựng các công trình công cộng theo quy hoạch.
Tác giả: Hùng Võ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy