Dòng sự kiện:
Bộ Xây dựng rốt ráo thoái vốn nhà nước
13/12/2020 19:02:53
Sau nhiều năm trầm lắng, Bộ Xây dựng đang là cơ quan triển khai thoái vốn nhà nước tích cực nhất.

Rốt ráo đấu giá 4 doanh nghiệp lớn ngành xây dựng

Trong chưa đầy một tháng (từ ngày 20/10 đến 17/11), có tới 4 quyết định về phương án thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã lần lượt được Bộ Xây dựng phê duyệt. Đến nay, việc bán vốn tại Tổng công ty IDICO (mã IDC) và Tổng công ty Xây dựng số 1 (mã CC1) đã hoàn tất với 100% lượng chào bán được phân phối hết. Còn lại, cổ phần Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp - mã HAN) và Tổng công ty Sông Hồng (mã SHG) của Bộ Xây dựng sẽ lần lượt đấu giá công khai trên sàn HNX vào ngày 25/12.

Cả 4 doanh nghiệp trên đều nằm trong diện buộc chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nếu Bộ Xây dựng không hoàn thành thoái vốn ngay trong năm 2020. Dù khối lượng chào bán không hề nhỏ và dồn lại vào những tháng cuối năm, nhưng lực cầu hấp thụ cổ phiếu vẫn rất lớn. Lượng đăng ký mua của 2 đợt thoái vốn vừa qua luôn vượt lượng chào bán và Bộ Xây dựng thu về tổng cộng 3.935 tỷ đồng.

Sức hấp dẫn của cổ phần có lẽ không đến từ bức tranh kết quả kinh doanh bởi lợi nhuận của cả 4 doanh nghiệp trên đều giảm trong 9 tháng năm 2020. Trong đó, Công ty Xây dựng số 1 lỗ ròng 98 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm của IDICO cũng giảm 27,5%. Thậm chí, với Hancorp, đà lợi nhuận tăng trưởng âm đã kéo dài từ năm 2017 đến nay. Sông Hồng đến nay đã lỗ lũy kế hơn ngàn tỷ đồng, gấp 3,75 lần mức vốn điều lệ của Tổng công ty (270 tỷ đồng).

Tuy nhiên, khối tài sản mà các doanh nghiệp trên sở hữu lại là đích ngắm của nhiều nhà đầu tư. Như với IDICO, tổng diện tích của 10 dự án đang đầu tư nghiên cứu và phát triển xấp xỉ 3.300 ha, trải dài từ Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… Tổng công ty Sông Hồng đang nắm quyền thuê đất 50 năm tại khu đất 1,7 ha ở An Dương (Hà Nội) và một khu đất 320 m2 ở Lào Cai đang xây dựng khách sạn dở dang phải dừng lại do thiếu vốn. Ngoài ra, danh mục của tổng công ty này còn có 9 dự án đầu tư dở dang về hồ sơ pháp lý, nên không thể triển khai, như Dự án Sông Hồng Tower tại Cổ Nhuế, nhà ở tái định cư ở Khu đô thị Đền Lừ III… Lợi ích từ đất đai vẫn là “miếng ngon” hút nhà đầu tư.

Thoái vốn tại Viglacera dậm chân tại chỗ

Thời hạn chót mà Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 đặt ra đã trở thành “cây gậy” hiệu quả thúc tiến độ thoái vốn. Tuy nhiên, một thương vụ được giới đầu tư chờ đợi trong năm nay lại không được triển khai là đợt bán 38,58% vốn Viglacera. Thậm chí, lộ trình thoái vốn Viglacera của Bộ Xây dựng sẽ lùi tới năm 2022.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của doanh nghiệp này hồi giữa năm, đại diện Bộ Xây dựng từng kỳ vọng, nếu làm tích cực thì có thể thực hiện thoái vốn trong tháng 11-12 năm nay, bởi Tổng công ty đã sớm hoàn tất quyết toán cổ phần hóa. Nhưng với tình hình hiện tại, chắc chắn không thể kịp hoàn tất trong năm 2020.

Nhóm cổ đông Gelex vừa tăng sở hữu tại Viglacera lên 46,07%, nhưng kỳ vọng của nhà đầu tư này lại là mức sở hữu chi phối. Chủ tịch HĐQT Gelex cũng từng nhấn mạnh việc sở hữu chi phối Viglacera là nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2020. Với 2 kịch bản kinh doanh đề ra, Gelex dự kiến lợi nhuận hợp nhất năm 2020 giảm 240 tỷ đồng trong trường hợp Viglacera chưa phải công ty con. Nhưng việc gom thêm 4,93% vốn từ các cổ đông nhỏ lẻ không đơn giản. Cổ phiếu VGC của Viglacera đã có một đợt tăng khá nóng trong những ngày giữa tháng 11 vừa qua, xác lập mức đỉnh mới 28.000 đồng/cổ phiếu.

Tác giả: Thanh Thủy

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến