Dòng sự kiện:
Bộ Y tế chấn chỉnh việc tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh phòng xuất huyết não
13/12/2017 10:15:06
Bộ Y tế vừa có công văn chấn chỉnh, yêu cầu nghiêm túc thực hiện việc tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh tại các cơ sở y tế để tránh xuất huyết não, màng não.


Dân Trí đưa tin, thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) đã kí công văn gửi đến Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các BV trực thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng các đơn vị Cục Quân Y, Bộ Quốc Phòng, Cục Y tế, Bộ Công an và giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị có triển khai dịch vụ đỡ đẻ (kể cả bệnh viện ngoài công lập) thực hiện nghiêm túc việc tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh theo đúng hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt.

HÌNH MINH HOẠ

Thông tin trên Tri thức trực tuyến, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, với trẻ em trên 1.500 gram liều tiêm bắp 1mg vitamin K1. Đối với trẻ dưới hoặc bằng 1500 gram liều tiêm bắp 0,5% mg vitamin K1 và việc tiêm vitamin K1 thực hiện ngay sau khi trẻ được chăm sóc thiết yếu sau đẻ/mổ lấy thai.
Theo đó, trẻ cần được cung cấp vitamin K ngay sau sinh theo 2 phương pháp là tiêm (bắp) hoặc uống. Tiêm cho tất cả trẻ mới sinh một mũi vitamin K1: 1mg, hoặc vitamin K3: 2mg. Cho tất cả trẻ mới sinh uống vitamin K1 2mg, 3 lần. Lần một: sau khi sinh, lần hai: 7 ngày tuổi và lần ba: 1 tháng tuổi.

Trên thế giới ghi nhận, nếu trẻ được dùng vitamin K với chiến lược tốt thì tỉ lệ xuất huyết não chỉ là 0,25/100.000 trẻ đẻ sống. Vì thế, sau sinh trẻ cần được tiêm dự phòng thiếu vitamin K như khuyến cáo.

Trước đó, BV Nhi Trung ương trong vòng 2 ngày tiếp nhận đến 3 trẻ sơ sinh bị xuất huyết não vì thiếu vitamin K. Các chuyên gia cho biết, xuất huyết não ở trẻ sơ sinh thường xảy ra từ 30 – 40 ngày tuổi (90% trẻ xuất huyết não ở giai đoạn này), do thiếu vitamin K.

Trẻ bị xuất huyết não dù được điều trị tích cực nhưng tỉ lệ tử vong hoặc để lại di chứng vẫn còn cao (tỉ lệ tử vong là 25-40%, di chứng là 40-50%). Các di chứng hay gặp nhất gồm có: teo não, não úng thủy, não bé, động kinh, bại não hoặc dị tật về phát triển tâm thần vận động.

Tường Vy (T/H)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến