Dòng sự kiện:
Bộ Y tế: Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, bếp ăn tập thể
01/06/2024 18:30:54
Sau hàng loạt các vụ ngộ độc thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, bếp ăn tập thể.

Đoàn công tác của Bộ Y tế đến thăm hỏi, động viên bệnh nhân liên quan vụ ngộ độc thực phẩm tại Đồng Nai. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Chiều 1/6, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5/2024 và 5 tháng đầu năm.

Giải trình về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm sau hàng loạt vụ ngộ độc thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay Bộ đã có giải pháp trước mắt cũng như lâu dài.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, với hơn 2.000 người mắc (tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2023) 6 người tử vong; trong đó có 10 vụ quy mô mắc trên 30 người (tăng 3 vụ so với cùng kỳ). Riêng tại các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, khu chế xuất xảy ra 3 vụ ngộ độc với 518 người mắc (tăng 457 ca so với cùng kỳ).

Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tương đối lớn đã xảy ra ở Khánh Hoà, Đồng Nai, Vĩnh Phúc... ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, người dân, sản xuất của doanh nghiệp.

Ngay sau khi xảy ra những vụ ngộ độc trên, Bộ Y tế với tư cách là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã chỉ đạo ngay các cơ sở y tế địa bàn tập trung cứu chữa, hạn chế thấp nhất bệnh nhân nặng và ca tử vong.

Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương đình chỉ ngay cơ sở cung cấp thực phẩm, để tiến hành kiểm tra, đánh giá; cùng với đó truy xuất nguồn gốc, lấy bệnh phẩm xét nghiệm, tìm nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc. Sau khi tiến hành truy xuất nguồn gốc cùng các đơn vị liên quan, Bộ Y tế thấy rằng một trong những nguyên nhân là một số các cơ sở sản xuất kinh doanh cung cấp lương thực thực phẩm đã được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm nhưng vẫn còn hiện tượng thu gom nguyên liệu thực phẩm trôi nổi từ bên ngoài không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một số thực phẩm bị nhiễm Salmonella.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về tăng cường công tác an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Chính phủ đã liên tiếp có nhiều chỉ đạo về an toàn vệ sinh thực phẩm, các Bộ, ban ngành và chính quyền địa phương đã vào cuộc, bước đầu đã có kết quả trong công tác đảm bảo an toàn và phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Quang cảnh cuộc họp báo. (Ảnh: Quang Thương)

Bên cạnh đó, còn có hai nội dung quan trọng trong lĩnh vực này cũng đã được triển khai và hướng dẫn cụ thể.

Thứ nhất là về thể chế đã có Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15 hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các văn bản quy phạm pháp luật của các ban, ngành liên quan...;

Thứ hai là về tổ chức thực hiện cũng có đầy đủ hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt ở cơ sở...

Bộ Y tế đã tham mưu để cấp địa phương, các cấp, các ngành, các đơn vị thực hiện tốt Chỉ thị 17 của Ban Bí thư đồng thời hướng dẫn thực hiện 10 khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới về bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có 2 khuyến cáo là chọn thực phẩm sạch và nơi chế biến ăn uống phải đảm bảo vệ sinh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trả lời tại cuộc họp báo. (Ảnh: Quang Thương)

“Các địa phương phải kiên quyết không để cơ sở không có giấy đăng ký, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với những cơ sở có giấy, không để những cơ sở có giấy mà không đủ điều kiện hoạt động hoặc những cơ sở đáng lẽ phải cấp giấy nhưng chưa được cấp giấy mà vẫn hoạt động… Kiểm soát chặt chẽ theo từng chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành có liên quan kiên quyết không để việc thu gom nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường không rõ nguồn gốc, xuất xứ cung cấp cho các bếp ăn tập thể,” Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

Ông Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp không ký hợp đồng với các cơ sở không đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Vì hiện nay, bếp ăn tập thể tại các đơn vị còn có loại hình khác là ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp để mang thực phẩm từ ngoài vào.

“Chúng tôi đề nghị địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, trước hết là nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp, thủ trưởng đơn vị bảo đảm an toàn thực phẩm cho người lao động; nâng cao nhận thức cho cơ sở sản xuất thực phẩm để bảo đảm ý thức hơn về an toàn thực phẩm cung ứng cho người dân và các đơn vị; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, để thay đổi hành vi của người dân mua thực phẩm, sử dụng thực phẩm, kiên quyết không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm,” ông Đỗ Xuân Tuyên nói.

Bên cạnh đó, địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, các bếp ăn tập thể. Xử lý vi phạm phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, vừa nâng cao hiệu quả tuyên truyền vừa có tính chất răn đe các cơ sở cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng./.

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến