Dòng sự kiện:
Bộc lộ nhiều rủi ro trong phân cấp ngân sách nhà nước
07/10/2018 19:02:42
Việc cơ cấu lại thu - chi ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách đã góp phần tích cực vào các kết quả thu - chi ngân sách, qua đó có tác động quan trọng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua

Việc rà soát, phân cấp cho địa phương các khoản thu gắn với địa phương đã tạo động cơ, động lực cho việc khai thác kịp thời nguồn thu. Tuy nhiên, nhiều rủi ro đã bộc lộ.

Vai trò chủ đạo của NSTƯ giảm, làm giảm khả năng, vai trò định hướng của NSTƯ. Ảnh: ST​​​.

Tăng chủ động cho địa phương

Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính cho biết: Trong vài năm trở lại đây, thu ngân sách địa phương (NSĐP) về cơ bản luôn vượt dự toán, góp phần tăng thu ngân sách, tạo nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chi. Đặc biệt, quy định tăng thu NSĐP ưu tiên sử dụng chi cải cách tiền lương, chi đầu tư phát triển... đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các ưu tiên của nền kinh tế, phát triển hạ tầng, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Thống kê đến thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020, có 16/63 địa phương có điều tiết số thu về Trung ương, tăng 3 địa phương so với giai đoạn trước đó.

Ông Hưng cho biết thêm, trao cho địa phương quyền phân cấp trên địa bàn, phân bổ chi ngân sách, triển khai các nhiệm vụ chi ngân sách gắn với nhu cầu công chúng trên địa bàn đã từng bước tăng cường hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách gắn với đặc thù KT-XH địa bàn, tạo động cơ, động lực để thực hiện công khai, minh bạch và giám sát ngân sách của các tổ chức, cộng đồng địa phương; nâng cao hiệu quả chi ngân sách.

Gần đây, việc nghiên cứu triển khai các cơ chế tài chính đặc thù đối với các thành phố lớn theo Luật NSNN 2015 cho thấy, việc trao quyền cho các tỉnh, thành phố lớn quyết định thu thêm đối với một số chính sách thu và chi thêm đối với chính sách tiền lương; được quyết định chi đầu tư với thẩm quyền cao hơn các địa phương còn lại đang từng bước gắn quyền hạn với trách nhiệm của các tỉnh, thành phố lớn chặt chẽ hơn, tạo động cơ, động lực, áp lực cơ cấu lại NSĐP, sử dụng NSĐP hiệu quả hơn, phù hợp với đặc thù và hỗ trợ phát triển KT-XH địa phương tốt hơn.

Tuy nhiều lợi ích, song đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, cơ chế phân cấp ngân sách đã bộc lộ nhiều rủi ro, ảnh hưởng tới phát triển nhanh, bền vững.

Vụ trưởng Vụ NSNN phân tích: Vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương (NSTƯ) giảm làm giảm khả năng, vai trò định hướng của NSTƯ trong thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, làm giảm khả năng đầu tư dứt điểm các công trình trọng điểm, mang tính đột phá đối với sự phát triển của nền kinh tế...

Việc phân cấp các chức năng, nhiệm vụ như nhau cho các địa phương cùng cấp ngân sách, trong khi nhiều địa phương chưa đáp ứng được các tiêu chí quy định... đã dẫn tới việc chia nhỏ hệ thống cung cấp các dịch vụ hành chính, sự nghiệp công - một trong những nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng nhanh biên chế, tiền lương, hiệu quả chi tiêu công hạn chế.

Chứng minh điều này, báo cáo đánh giá chi tiêu công của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra: Biên chế khu vực công tăng khá nhanh trong giai đoạn qua, góp phần làm chi lương tăng mạnh. Số công chức và viên chức ở trung ương tăng lần lượt là 2,8% và 3,9% mỗi năm từ năm 2008 đến năm 2011; còn số công chức ở địa phương tăng 5,1% mỗi năm từ năm 2009 - 2013. Cũng theo báo cáo trên, chi lương của Nhà nước tăng đáng kể (bình quân 11,7% mỗi năm từ 2009 - 2012). Kết quả là mặc dù chi thường xuyên tăng nhanh, nhưng chủ yếu là chi cho con người, chi cho chuyên môn nghiệp vụ hạn chế...

Đồng tình với nhận định đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTƯ đang đứng trước nhiều thách thức, ông Trương Bá Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng: Quy mô thu của NSTƯ trong tổng thu NSNN giảm từ 65,7% năm 2004 xuống còn 54,2% năm 2016 làm thu hẹp đáng kể vai trò của NSTƯ trong việc bố trí nguồn lực để đầu tư cho các công trình hạ tầng quan trọng của đất nước và xử lý sự bất bình đẳng trong phát triển giữa các vùng, miền để hướng tới các mục tiêu, yêu cầu về phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Năm 2016, chi cho đầu tư từ NSTƯ chỉ chiếm khoảng 22,97% tổng chi đầu tư từ NSNN. Những năm gần đây, quy mô của một số khoản thu quan trọng mà NSTƯ được hưởng 100% theo phân cấp đều giảm mạnh, bao gồm thu từ thuế XK, thuế NK, thu từ dầu thô và thuế Bảo vệ môi trường hàng NK. Trong đó, năm 2016, thu từ thuế XK, thuế NK và thuế Tiêu thụ đặc biệt hàng NK chỉ chiếm 8,7% tổng thu NSNN, trong khi tỷ lệ này của năm 2010 là 12,6%. Tương tự, thu từ dầu thô năm 2016 chỉ còn chiếm 3,65% tổng thu NSNN, trong khi đó tỷ lệ này của năm 2010 là 11,76%.

Ông Tuấn phân tích thêm, trong 2 năm gần đây, thu từ thoái vốn và từ lợi nhuận sau thuế của NSTƯ tăng cao, qua đó đã bù đắp được một phần số giảm thu từ các khoản thu này. Tuy nhiên, đây là các khoản thu không tái tạo, tính bền vững không cao. Nếu như không có sự điều chỉnh kịp thời về cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa NSTƯ và NSĐP, mức độ tiếp cận nguồn lực của NSTƯ để đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTƯ sẽ rất khó khăn do quy mô thu NSNN từ thuế NK, thuế Bảo vệ môi trường hàng NK tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới.

Phải giữ được vai trò chủ đạo của NSTƯ

Đưa ra giải pháp từ góc độ quản lý, ông Võ Thành Hưng cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi cơ chế phân cấp nguồn thu - nhiệm vụ chi ngân sách theo hướng đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTƯ, khuyến khích tính chủ động sáng tạo và trách nhiệm của chính quyền địa phương; đồng thời phải tính tới hiệu quả kinh tế của việc cung cấp các hàng hóa dịch vụ hành chính, sự nghiệp công. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực giám sát tài chính quốc gia đảm bảo an ninh, an toàn tài chính công, tăng cường ổn định vĩ mô nền kinh tế; đẩy mạnh hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán và thống kê, đảm bảo phù hợp và tiếp cận với thông lệ quốc tế; hệ thống các tiêu chí giám sát tài chính doanh nghiệp; các chỉ số an toàn về nợ công…; cơ chế giám sát tài chính. Ngoài ra, hoàn thiện cơ sở thông tin dữ liệu, củng cố bộ máy, công cụ và cán bộ quản lý, giám sát tài chính, nâng cao hiệu quả giám sát của Nhà nước đối với hoạt động của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, nợ công, đảm bảo các thị trường vận hành an toàn, lành mạnh, minh bạch, cung cấp kịp thời, hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Ở góc độ nghiên cứu, ông Trương Bá Tuấn lại cho rằng cần có giải pháp để đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTƯ theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013 cả trên giác độ thu và chi NSNN. Trong đó, để đảm bảo được sự chủ đạo về phương diện chi NSNN thì yêu cầu tiên quyết là phải có được sự “chủ đạo” về nguồn lực của NSTƯ. Cụ thể, cần xử lý hiệu quả việc giảm dần tỷ trọng của NSTƯ trong tổng thu NSNN trong những năm gần đây để tạo thêm “không gian tài khóa” cho Trung ương thông qua việc tập trung đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng, liên vùng; thực hiện tốt hơn các khoản bổ sung cho ngân sách để khắc phục sự bất bình đẳng trong phát triển vùng, miền. Mặt khác, tăng cường tính công bằng giữa các địa phương. Nghiên cứu, chuyển việc phân chia nguồn thu đối với các sắc thuế (thu nhập DN, giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân,…) từ cơ chế dựa theo tỷ lệ điều tiết được giữ cố định trong 5 năm qua sang phân chia dựa theo “công thức” gắn với các tiêu chí về kinh tế, xã hội của các địa phương như một số quốc gia.  

Theo báo Hải Quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến