Dòng sự kiện:
Bóc tách điểm nóng của Eximbank trước thềm đại hội cổ đông thường niên 2022
26/04/2022 11:15:11
Eximbank (EIB) sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022 vào ngày 28/4, trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2022.

Lợi nhuận 2.500 tỷ đồng; sẽ chia cổ tức?

HĐQT Eximbank đặt tham vọng với mục tiêu lợi nhuận tăng 127% trong năm 2022.

Cụ thể, năm 2022, Eximbank khá lạc quan khi đưa ra kế hoạch kinh doanh vớilợi nhuận trước thuế tăng 127% so với năm 2021, tương đương 2.500 tỷ đồng.


Tổng tài sản cuối kỳ dự kiến tăng 7,8% so với đầu năm, đạt 179.000 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 6,5%, mục tiêu đạt 147.600 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng tăng 13,5%, ước đạt 131.400 tỷ đồng.

Theo HĐQT Eximbank, con số kế hoạch được đặt ra trên cơ sở kết quả kinh doanh của Eximbank trong những năm gần đây đã có những điểm sáng, bất chấp những ảnh hưởng từ xáo trộn lớp "thượng tầng". Lợi nhuận năm 2021 đã vượt 1.000 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu tăng gần 74% trong năm 2021, từ 19.500 đồng/cổ phiếu lên 33.900 đồng/cổ phiếu trước khi giảm xuống 30.300 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 25/4.

Một điểm được cho là sẽ nóng trong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Eximbank là vấn đề cổ tức. Trình Đại hội lần này, thông tin được đưa ra là khi kết thúc năm tài chính 2021, Eximbank đã tất toán xong toàn bộ trái phiếu VAMC và đủ điều kiện để tiến hành chia cổ tức.

Cổ đông Eximbank đã 7 năm không được nhận cổ tức, kể từ năm 2016 đại hội đồng cổ đông thường niên đều không thể tổ chức thành công cho tới lần gần đây nhất (ngày 15/2/2022).

Ngân hàng cũng dự kiến sẽ trình phương án phân phối lợi nhuận và tăng vốn trong năm 2022. Nếu thực hiện đúng kế hoạch, đây là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ sau một thập kỷ.

HĐQT Eximbank biết lợi, nhuận còn lại lũy kế đến cuối năm theo báo cáo hợp nhất sau khi trừ trích quỹ khen thưởng, phúc lợi các năm từ 2018 đến 2020 là 2.214 tỷ đồng. Sau khi trừ số cổ phiếu quỹ Eximbank đang nắm giữ, mức cổ tức dự kiến sẽ là 18%.

Tuy nhiên, đại hội cổ đông thường niên 2021 lần 2 được Eximbank tổ chức thành công ngày 15/2 vừa qua đã không thông qua tờ trình về phương án chia cổ tức.

Trong tài liệu đại hội cổ đông thường niên công bố mới đây, ngân hàng không tiếp tục đưa ra phương án chia cổ tức.

SMBC rút lui, tỷ trọng sở hữu thực tế nhóm cổ đông nào cao nhất?

Đối tác chiến lược nước ngoài của Eximbank là SMBC chính thức công bố chấm dứt 14 năm hợp tác chiến lược với Ngân hàng, nhưng chưa chốt việc bán cổ phiếu.

SMBC hiện vẫn là cổ đông lớn nhất tại Eximbank với hơn 185 triệu cổ phiếu sở hữu. Số phận của số cổ phần trong tay của SMBC vẫn đang là một ẩn số. Thông cáo của SMBC cho biết việc thảo luận về số cổ phiếu này đang được tiến hành và chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.


Các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới của Eximbank vừa được bầu tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ 2

SMBC bắt đầu đầu tư vào Eximbank từ năm 2007 khi bỏ ra gần 225 triệu USD (tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng theo tỷ giá thời điểm đó) để nắm giữ 15% cổ phần của Eximbank, bắt đầu ký thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank vào ngày 27/11/2007.

Có thể nói đây là một khoản đầu tư kém hiệu quả khi sau hơn 10 năm, với hơn 185 triệu cổ phần EIB hiện nắm trong tay, phải tới ngày cuối quý I/2021 SMBC mới hòa vốn. Cùng với đó, mặc dù là cổ đông chiến lược nhưng SMBC dường như không còn tiếng nói tại Eximbank.

Trong khi đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ 2 của Eximbank tổ chức ngày 15/2 vừa qua lại có sự xuất hiện của những gương mặt mới đến từ Bamboo Capital,Thành Công Group, Chứng khoán Rồng Việt.

Tại Đại hội đồng đồng cổ đông năm 2021 lần thứ 2, 7 ứng viên được đề cử vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ mới sự trở lại của cựu Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú và sự có mặt của lãnh đạo của Bamboo Capital (BCG), Thành Công Group, nhóm công ty liên quan đến Nam A Bank.

Kết quả sau cùng, bà Cẩm Tú được bầu chọn đảm nhiệm chức vụ "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT sau một khoảng thời gian vắng bóng. Bà Tú và bà Đỗ Hà Phương là đại diện được đề cử của nhóm các cổ đông cá nhân và một số tổ chức liên quan đến Nam A Bank.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hùng, thành viên HĐQT và ông Ngo Tony Trưởng ban Kiểm soát là hai đại diện của nhóm Bamboo Capital. Cá nhân ông Nguyễn Hồ Nam và CTCP Bamboo Capital là hai cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư và dịch vụ Helios.

Tháng 7/2021, Helios trở thành cổ đông lớn của Bamboo Capital và số cổ phần sở hữu tới tháng 1/2022 là 6,92%.

Nhóm thứ ba là nhóm liên quan đến Tập đoàn Thành công với hai đại diện ông Lê Hồng Anh (Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thành công) và ông Đào Phong Trúc Đại.

Một nhóm cổ đông khác đề cử ông Nguyễn Hiếu vào HĐQT bao gồm nhiều thành viên từng đưa đơn đề xuất miễn nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú vào năm trước.

Cơ cấu cổ đông Eximbank đã có thay đổi đáng kể trong những năm trở lại đây với bóng dáng của một số nhóm cổ đông mới - cũng là doanh nghiệp lớn trên thị trường.

Mặc dù các thông tin đưa ra khó có thể xác định được liên minh nào đang trầm trịch Eximbank, song tân Chủ tịch Eximbank đã nhận được sự tín nhiệm của các nhóm cổ đông và phía sau có một ngân hàng từng là cổ đông nắm trên 35% cổ phiếu Eximbank. Đây cũng là nơi Chủ tịch Eximbank từng công tác ở vị trí điều hành cao nhất, cho dù trước đó nhà băng này tiết lộ đã thoái phần vốn nắm giữ tại Eximbank để tập trung phát triển bằng nội lực.

Trong khi đó, một nguồn tin khác cho rằng, một tập đoàn bất động sản lớn đã nhận chuyển nhượng tổng cộng khoảng 38-40% cổ phần Eximbank trong các đợt giao dịch thỏa thuận gần đâ và đang hoàn tất thủ tục còn lại. Vì thế, tập đoàn bất động sản trên vẫn chưa cử người tham gia HĐQT, Ban Kiểm soát Eximbank.

Ngoài ra, theo quy định trong lĩnh vực ngân hàng, bên mua cần nắm giữ cổ phiếu tối đa 6 tháng mới được quyền đề cử người tham gia HĐQT.

Tác giả: T.V

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến