Dòng sự kiện:
Bốn vùng động lực quốc gia được tập trung phát triển đến năm 2030
14/09/2022 14:55:04
Trong quy hoạch tổng thể quốc gia, có 4 vùng động lực được tập trung phát triển kinh tế trong những năm tới. Kết nối các vùng sẽ là hệ thống đường bộ cao tốc và đường sắt hiện đại.

Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã công bố một số nhiệm vụ trọng tâm trong quy hoạch tổng thể quốc gia.

Theo đó, do nguồn lực phát triển có hạn, quy hoạch sẽ ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế, vùng động lực và cực tăng trưởng. Những khu vực này sau đó sẽ trở thành đầu tàu để kéo các lãnh thổ khác cùng phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Vùng động lực, cực tăng trưởng kinh tế

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng đầu tiên, quan điểm, tư tưởng lớn của quy hoạch tổng thể quốc gia là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương.

Trong giai đoạn đến năm 2030, do nguồn lực phát triển có hạn, cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có.

Các lãnh thổ đó sẽ phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo những lãnh thổ khác cùng phát triển. Cụ thể, cần tập trung hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, các cực tăng trưởng và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Các vùng lõi bao gồm tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Hạ Long, Vân Đồn), tứ giác TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Quốc Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất (vùng lõi) để hình thành các vùng động lực quốc gia, bao gồm tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Hạ Long, Vân Đồn), tứ giác TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng ven biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi và tam giác Cần Thơ - An Giang (Long Xuyên) - Kiên Giang (Rạch Giá, Phú Quốc) với những cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Ngoài ra, ông khẳng định cần từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ 3 là quy hoạch tập trung, hình thành các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên những tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.

Ưu tiên hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc - Nam phía Đông, 2 hành lang kinh tế Đông - Tây là hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu.

Cùng với đó là từng bước hình thành và phát triển các hành lang Đông - Tây khác.

Mạng lưới kết cấu hạ tầng

Cuối cùng, Chính phủ sẽ hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng để hỗ trợ hình thành những hành lang kinh tế, sớm hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực.

Xây dựng đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với những vùng động lực, hành lang kinh tế. Nâng cấp, xây dựng các cảng biển, cảng hàng không cửa ngõ quốc tế. Đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, những tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển, cảng hàng không lớn.

Phát triển hạ tầng năng lượng, bảo đảm cung cấp năng lượng đầy đủ, ổn định, chất lượng cao, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu quốc gia. Phát triển hạ tầng bảo vệ môi trường, hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xây dựng đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với những vùng động lực, hành lang kinh tế. Ảnh: Quốc Nam.

Ưu tiên đầu tư các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới tại các thành phố lớn, các vùng động lực.

Phát triển hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội. Xây dựng một số bệnh viện ngang tầm khu vực và quốc tế. Hình thành, phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu hiện đại.

Tác giả: Thảo Cao

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến