Dòng sự kiện:
Bóng hồng ngành đường sắt và đêm 8/3 bất ngờ
08/03/2018 08:42:47
Bất kể ngày hay đêm, lễ tết hay ngày thường, trên mọi cung đường sắt, những người phụ nữ vẫn miệt mài làm việc, gác lại sau lưng gia đình, con cái để giữ an toàn cho mọi hành trình.

Video: Những bóng hồng ngành đường sắt. (Video có sử dụng một phần tư liệu của VTV2)

8h sáng tại cung chắn Đa Phúc - Yên Viên (huyện Đông Anh, TP Hà Nội), chị Võ Thanh Hương (SN 1973 - công nhân gác chắn thuộc công ty cổ phần đường sắt Hà Thái) nhận cuộc gọi từ trung tâm, thông báo sắp có tàu qua.

Vừa cúp máy, chị cùng đồng nghiệp vội ra đường ray, cầm cờ và thực hiện các thao tác cảnh báo, kéo rào sắt.

Thi thoảng có chiếc xe máy cố luồn lách, định vượt qua barie nhưng bị chị Hương cản lại. Người đi xe máy cau mày, tỏ thái độ, nhìn chị với ánh mắt bực tức… Đó là những hình ảnh khá quen thuộc với chị cùng các đồng nghiệp.

Chị Hương cho biết, vào nghề từ năm 1991, 27 năm trong nghề, chị đã trải qua không ít những niềm vui, nỗi buồn.

Chị Võ Thanh Hương đang ghi lại nhật trình tàu chạy. Ảnh: Nhật Linh

“Ai nhìn qua cũng nghĩ công việc này đơn giản, nhàn nhã nhưng thực tế nó cũng ẩn chứa những nguy hiểm, chưa kể đến sự ám ảnh khi chẳng may xảy ra tai nạn gần cung chắn” - chị bộc bạch.

Theo lời chị Hương, để làm công việc này, các chị phải trải qua những lớp đào tạo gắt gao và bài bản. Ngoài thao tác an toàn, các nhân viên gác chắn phải học cả cách xử lý với mọi tình huống phát sinh trong quá trình tác nghiệp.

Nữ nhân viên gác chắn sinh năm 1973 chia sẻ, ở ngành nghề khác, phái nữ có thể được ưu ái hơn so với đồng nghiệp nam tuy nhiên với nghề này lại không như vậy. Vì sự vất vả, nhọc nhằn của các chị chẳng kém phái mạnh là mấy.

Mỗi ngày các chị phải làm 12 tiếng/ca, một tháng trực đêm 10 ngày. Trong ca trực, các chị phải luôn giữ tinh thần tỉnh táo vì chỉ cần một phút bất cẩn, sao nhãng là có thể xảy ra tai nạn ở khu vực đường ngang dân sinh. Trung bình ban ngày trạm chắn của chị đón khoảng 10 - 12 chuyến tàu chạy qua, ban đêm tăng lên 17 chuyến.

Vì vậy giờ giấc sinh hoạt cũng phải gắn liền với giờ tàu chạy, chưa kể những hôm có các chuyến tăng cường, khối lượng công việc ở cung chắn cũng vất vả hơn.

“Nhiều bữa đang ăn dở, nghe thông tin tàu qua, chị em vội buông vội bát cơm, ra đường chờ tàu. Ngày mới vào nghề chưa quen, tôi hay bị đau dạ dày vì giờ giấc sinh hoạt, ăn uống thất thường như vậy", chị Hương nói.

Bên cạnh áp lực về thời gian chị Hương cũng phải đối mặt không ít phiền toái từ những người tham gia giao thông có ý thức kém.

“Khi còi hiệu đã reo, tôi kéo rào chắn lại nhưng một số người dân vẫn bất chấp, cố luồn lách băng qua đường sắt.

Tôi ngăn cản để giữ an toàn tính mạng cho họ thì bị lăng mạ, xúc phạm bằng từ ngữ khó nghe, thậm chí có người còn định lao vào hành hung cả nhân viên gác chắn.

Ngày mới vào nghề tôi cũng chạnh lòng nhưng cũng quen dần bởi chuyện đó xảy ra như cơm bữa”, chị trải lòng.

Để hoàn thành công việc, các nữ công nhân gác chắn phải hi sinh phần lớn thời gian bên gia đình. Ảnh: Nhật Linh

Với những công nhân gác chắn lâu năm như chị Hương, có lẽ không thể không nhắc đến chuyện gia đình. Để hoàn thành công việc, bản thân chị Hương và các đồng nghiệp phải chấp nhận hi sinh thời gian ở bên chồng con.

Nếu không có sự cảm thông, thấu hiểu của chồng và gia đình chắc hẳn các chị sẽ khó bám trụ được với nghề.

Chị kể, sau khi sinh con được 6 tháng, chị trở lại với công việc. Ngày đó hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện cho con dùng sữa ngoài, đi làm lúc nào chị cũng trong tình trạng căng tức sữa. Trong khi đó con ở nhà khóc ngằn ngặt, gia đình chồng và chồng chị phải thay nhau bế con ra trạm cho con bú mẹ rồi bế về.

“Một lần, tôi làm ca đêm, con ở nhà bị sốt mọc răng nên bé quấy khóc. Chồng tôi đành lấy tấm chăn đơn quấn cho con, đưa ra trạm cho bú mẹ, cháu mới ngừng khóc. Khi ấy tôi vừa ôm con vừa chảy nước mắt…”, nữ nhân viên gác chắn sinh xúc động nhớ lại.

Lớn hơn một chút, thấy mẹ đi làm đêm, con đòi theo, chị dỗ dành: “Mẹ đi làm lấy tiền mua quần áo đẹp cho con”. Không ngờ con chị lại nói: “Con chỉ cần mẹ ở nhà, không cần quần áo đẹp”.

Nghe con nói chị Hương sững người, tim thắt lại nhưng nghĩ tới sự an toàn của mỗi chuyến tàu đêm chị đành gạt nước mắt dắt xe đi.

Chị Hương chia sẻ thêm, trước đây cũng nhiều cô gái trẻ thi tuyển vào vị trí này nhưng sau một thời gian làm việc đã xin nghỉ vì không chịu đựng được áp lực.

Kỷ niệm khiến chị nhớ mãi là lần chị cứu một người có ý định quyên sinh trước mũi tàu. Việc này cũng khiến bản thân chị suýt bỏ mạng.

Theo lời chị, cách đây hơn 1 năm, sau khi nhận lệnh từ trung tâm thông báo tàu đến, chị ra barie chuẩn bị thao tác cảnh báo thì thấy một người đàn ông khoảng 60 tuổi xuất hiện. Người này dáng nhỏ bé đi thất thểu trên đường ray gần trạm chắn mặc dù còi hiệu đang hú rất to.

Theo phản xạ, chị vội ra hiệu cho đồng nghiệp kéo rào chắn còn mình chạy thật nhanh đến, kéo người đàn ông ra khỏi đường ray, đúng lúc đó thì tàu lao đến với tốc độ chóng mặt.

Người đàn ông đó vẫn vùng vẫy, cố thoát ra khỏi cánh tay chị Hương để lao đầu vào đoàn tàu. Chị Hương phải lấy hết sức mình, ghì chặt người đàn ông đó xuống. Chỉ đến khi đoàn tàu đi qua, người đàn ông này mới thôi gào thét.

Khi người đàn ông đã bình tâm, chị hỏi han thì được biết, ông ta vừa phát hiện mắc ung thư, vì không muốn làm khổ các con nên ông ra đường tàu để tìm đến cái chết. Chị Hương cùng đồng nghiệp động viên, bảo người đó đưa số điện thoại gia đình, chị liên hệ người nhà đến đón ông về.

“Sự việc bẵng đi một thời gian, thì vào một ca trực đêm ngày 8/3, tôi cùng đồng nghiệp bất ngờ thấy người đàn ông đó xuất hiện, trên tay cầm bó hoa, tặng cho hai chị em khiến tôi vô cùng xúc động.

Ông cho biết, mình vừa từ bệnh viện về lúc chiều. Sức khỏe cũng ổn định hơn. Người đàn ông biết tôi làm ca đêm nên bảo con chở xuống trạm.

Ông ta liên tục nói cảm ơn hai chị em, nhờ lần thoát chết trong gang tấc đó mà ông nhận ra cuộc sống giá trị đến nhường nào…”, chị Hương bồi hồi nhớ lại.

Theo Vietnamnet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến